Quỹ bình ổn đã chi hơn 5.500 tỷ đồng từ để giữ giá xăng dầu

17:03' - 17/10/2018
BNEWS Từ đầu năm đến nay đã có 19 kỳ điều hành giá; trong đó chỉ có 2 lần giảm giá và có tới 10 lần ghìm giữ giá xăng dầu thông qua Quỹ bình ổn, với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng đã được chi ra.
Quỹ bình ổn đã chi hơn 5.500 tỷ đồng để giữ giá xăng dầu. Ảnh minh hoạ: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ, công bố các thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại cũng như hoạt động quản lý Nhà nước 9 tháng của năm 2018.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, về việc điều hành giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay đã có 19 kỳ điều hành giá; trong đó chỉ có 2 lần giảm giá và có tới 10 lần ghìm giữ giá xăng dầu thông qua Quỹ bình ổn, với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng đã được chi ra.

Tính đến ngày 31/8/2018, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 3.100 tỷ đồng. Hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã khá hiệu quả trong điều hành giá xăng dầu, góp phần kiểm soát giá các mặt hàng, qua đó góp phần ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, lợi ích của Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian qua là rất rõ ràng. Chỉ cần giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng tăng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Đặc biệt là trong năm tới, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội, tăng thuế môi trường lên 4.000 thì vai trò của Quỹ bình ổn càng quan trọng.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp được mở rộng và gia tăng liên tục. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng khá cao. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tiếp tục gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng âm (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2017).

Về kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; trong đó, khối doanh nghiệp trong nước đạt hơn 51 tỷ USD; khối FDI chiếm tỷ trọng khoảng 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhiều câu hỏi liên quan đến việc xử lý các dự án thua lỗ của ngành công thương, hoạt động của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, hay việc xuất nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu và việc nhập khẩu máy đào tiền ảo… cũng đã được đại diện Bộ Công Thương trả lời báo chí../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục