Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trồng trọt

19:39' - 08/06/2018
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cần bố cục lại dự thảo Luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Nhiều đại biểu đánh giá, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật tương đối bao quát được các vấn đề của hoạt động trồng trọt.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới trong quá trình canh tác để kiểm soát toàn diện vật tư sử dụng trong trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Về bố cục dự thảo Luật, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng chưa cân xứng với nội dung cần điều chỉnh.

Dự thảo Luật gồm 82 điều thì có 54 điều về giống và phân bón, rất ít điều luật điều chỉnh các yếu tố quan trọng khác liên quan đến trồng trọt như nước tưới, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt…

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung các lĩnh vực khác liên quan đến trồng trọt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chỉ rõ, trồng trọt liên quan đến một chuỗi từ đất trồng trọt, nguồn gen cây trồng, giống cây trồng, tưới tiêu, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, công nghệ thu hoạch, tiêu thụ nông sản…

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa bao quát hết các vấn đề, các đối tượng cần quản lý khác liên quan đến trồng trọt thì quá ít hoặc là thiếu như về nguồn gen, đất trồng trọt, bảo vệ thực vật và nước tưới.

Có ý kiến cho rằng, đất trồng trọt sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, còn nước theo quy định của Luật Thủy lợi.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cần quy định các yếu tố đó với tư cách là các loại vật tư đầu vào được sử dụng trong trồng trọt, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về nguồn gen, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới để kiểm soát toàn diện quá trình canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

"Luật ban hành phải bao quát tất cả các nội dung có liên quan chứ không để tình trạng cùng trong một lĩnh vực mà việc quản lý Nhà nước bị chia cắt ở nhiều luật khác nhau", đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, vì phạm vi điều chỉnh không bao quát nên bố cục dự thảo Luật mất cân đối. Dự thảo Luật có 82 điều mà riêng chương II về giống cây trồng có đến 6 mục với 37 điều, chương III về phân bón có 5 mục với 18 điều trong khi chương về canh tác nông nghiệp chỉ có 9 điều.

Ngoài ra, một chuỗi từ khâu thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến cho đến xuất, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt đưa hết vào một chương với vỏn vẹn 4 điều.

“Cần bố cục lại và bổ sung các quy định sao cho cân đối và đúng với tính chất của trồng trọt được hiểu là một chuỗi canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lưu ý.

Quy định rõ trách nhiệm dự báo, định hướng thị trường

Về chính sách của Nhà nước về trồng trọt (Điều 6), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số chính sách về phát triển giống cây trồng mới, bao gồm cả chính sách đối với bảo tồn nguồn gen, vật liệu nhân giống; chính sách ưu tiên phát triển cây trồng chính; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống để nâng cao chất lượng vật liệu giống; đầu tư hạ tầng, trang thiết bị ngành trồng trọt đối với vùng sản xuất giống tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Một số đại biểu yêu cầu làm rõ chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tránh gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất; chính sách về tổ chức sản xuất trong trồng trọt theo hướng liên kết giữa người nông dân với cơ sở sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhận định, dự thảo Luật chưa có quy định về chính sách của Nhà nước để cân đối cung – cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng nông dân bị thua lỗ, ép giá và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp trong thời gian qua.

“Những quy định về chính sách quản lý Nhà nước về trồng trọt chưa đạt được mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật là “nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” như Tờ trình của Chính phủ”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Mai Sỹ Diến kiến nghị, dự án Luật Trồng trọt phải bổ sung rõ hơn vào Điều 6 về “Chính sách phát triển thị trường” và thiết kế 1 điều trong chương VI (về quản lý Nhà nước về trồng trọt) quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND cấp tỉnh trong việc dự báo, thông tin, cảnh báo, định hướng về thị trường sản phẩm trồng trọt nhằm bảo đảm cân đối cung – cầu sản phẩm, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, thua lỗ, để đừng có một bài ca mà nông dân nhắc đến nhưng không vui là “được mùa thì thường xuyên mất giá, thỉnh thoảng được giá thì lại mất mùa”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chính sách của Nhà nước về trồng trọt không cần dài nhưng cần xác định rõ định hướng, phù hợp khả năng nguồn lực và phải được cụ thể hóa tương thích với các điều khoản luật tiếp theo. Theo đại biểu, cần nghiên cứu phân chia chính sách theo 3 nhóm.

Cụ thể, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo lĩnh vực thì ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, an toàn, tái sử dụng các phụ phẩm trong trồng trọt...

Đối với chính sách phát triển ngành trồng trọt theo vùng, miền thì vùng đồng bằng có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung tích tụ ruộng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và khuyến khích liên kết trong sản xuất đảm bảo tính bền vững.

Vùng miền núi, hải đảo điều kiện canh tác khó khăn nên khuyến khích sản xuất hữu cơ, sản xuất giống, phát triển các giống bản địa; vùng thành thị khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch.
Tiếp đó là chính sách phát triển ngành trồng trọt theo đối tượng cây trồng, cần ưu tiên phát triển cây trồng chính, cây trồng an ninh lương thực, các cây trồng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất giống gốc, giống nguyên chủng, giống bố mẹ...
Tại phiên thảo luận, các nội dung về quản lý giống cây trồng, về quản lý phân bón; việc quy hoạch trồng trọt... cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục