Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6

18:59' - 18/10/2018
BNEWS Tại cuộc họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 18/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi báo chí.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV. Ảnh tư liệu: Phương Hoa - TTXVN

*Tiếp tục đổi mới hoạt động

Về những điểm đổi mới đáng chú ý tại Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc chất vấn thực hiện theo phương thức hỏi nhanh – đáp gọn tại Kỳ họp trước tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp này. Bên cạnh đó, trong phiên chất vấn sẽ không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… mà dành thời gian trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; từ đó xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu 5 năm theo Nghị quyết. “Việc này là cần thiết trong điều kiện cuộc chiến thương mại đang diễn ra phức tạp, khó lường và chúng ta phải có đối sách phù hợp”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.

* Đảm bảo công bằng trong việc lấy phiếu tín nhiệm

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu.

Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Lý giải về vấn đề này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ: Việc chất vấn chỉ thực hiện với một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết giám sát chất vấn của Quốc hội. Một số thành viên khác không nằm trong nội dung này thì không chất vấn.

Trong trả lời chất vấn, có nội dung tốt nhưng cũng có cái chưa tốt. Vì thế để đảm bảo công bằng giữa người đã trả lời chất vấn và người chưa được trả lời chất vấn thì Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn.

“Đánh giá của đại biểu căn cứ vào theo dõi từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu sẽ hiểu ai làm tốt hay không tốt, rồi qua tiếp xúc cử tri, theo dõi hoạt động của từng đồng chí để có chính kiến”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh và cho biết toàn bộ hồ sơ của từng đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới đại biểu Quốc hội theo thời gian quy định.

Liên quan đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, mọi đối tượng thuộc diện lấy phiếu sẽ được đánh giá công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và “chẳng có cơ sở để ưu tiên ai”.

* Trình Quốc hội 2 phương án xử lý tài sản bất minh

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Về vấn đề xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc tại Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Hiện nay vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau nên sẽ trình ra Quốc hội 2 phương án để xin ý kiến các đại biểu. Theo đó, phương án 1, khi tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý thì cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản của cán bộ có quyền chuyển hồ sơ sang Tòa án theo thủ tục tố tụng tư pháp để Tòa án xem xét, xử lý.

Trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến tranh tụng, Tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết để đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Còn phương án 2 là đánh thuế thu nhập với tài sản tăng thêm. “Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước thì xác định đó là thu nhập gia tăng.

Theo pháp luật về thuế thu nhập thì người kê khai trước tiên phải nộp thuế. Việc nộp thuế không làm thay đổi bản chất, tức là cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh nguồn gốc thu nhập.

Nếu thấy tài sản do tham nhũng mà có thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của các luật khác như Bộ Luật hình sự”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nguyễn Sỹ Cương cho biết: Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là cơ quan sẽ thẩm tra chính thức Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP trong thời gian tới.

Phạm vi thẩm tra gồm: Sự cần thiết phê chuẩn Hiệp Định CPTPP; việc tuân thủ trình tự thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn điều ước Quốc tế theo quy định của Luật Điều ước Quốc tế; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của Hiệp định CPTPP; khả năng áp dụng trực tiếp vào toàn bộ điều ước quốc tế và liên quan đến sửa đổi bổ sung các dự án luật phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định CPTPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục