Quốc hội khóa XIV: Tạo dựng môi trường văn hóa để phát triển kinh tế bền vững

18:30' - 30/10/2019
BNEWS Phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội chiều 30/10, nhiều đại biểu Quốc hội nêu băn khoăn về các vấn đề môi trường xã hội, chất lượng cuộc sống người dân, an ninh mạng, ô nhiễm môi trường...

* Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Đề cập đến vấn đề văn hóa hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu quan điểm: Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: Văn Điệp -TTXVN

“Chỉ lúc nào văn hóa được trở thành vốn kinh tế, nguồn lực con người được coi là nhân tố quyết định cho việc sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa trong hoạt động kinh tế. lúc đó, chúng ta mới có thể có được một sự phát triển kinh tế bền vững”, đại biểu nhận định.
Đề cập về vấn đề môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân, đại biểu Mai Hoa cho rằng, kết quả phát triển kinh tế tốt là điều đáng mừng, nhưng kinh tế không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống cho người dân. Thậm chí, nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà an sinh xã hội không được làm tốt, đến một lúc nào đó hậu quả xã hội sẽ khôn lường.

Theo đại biểu, càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống, dường như môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm bẩn tràn ngập, ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước sinh hoạt, đến vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền xấu đi trong mắt của người dân.
Bên cạnh đó, nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu của sự xuống cấp về nhân cách, đạo đức. Một số vụ án giết người mà quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh - em, vợ - chồng, mẹ - con đã làm chấn động dư luận.

Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp. Thủ phạm đa số là những người quen, người thân, thậm chí là người ruột thịt. Qua giám sát tối cao của Quốc hội, địa bàn có nguy cơ cao về xâm hại trẻ em hiện đang tập trung nhiều ở nông thôn, nơi những lao động nữ phải đi làm ăn xa và không thực hiện được trách nhiệm của người mẹ, người vợ, từ đó, đẩy trẻ em nơi đây vào những nguy cơ bị xâm phạm.
Từ thực trạng đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu, phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng.

Chẳng hạn như sự gia tăng nạn bạo lực trong giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ gia đình. Đại biểu nêu băn khoăn: “Đây có phải là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, của sự tổn thương uất ức trong mỗi con người mà nguyên nhân sâu xa là từ các vấn đề xã hội chưa được kịp thời xử lý hay là hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng hóa của một bộ phận giới trẻ?”
Về phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, theo đại biểu, các hoạt động của văn hóa chủ yếu là các sự kiện, các lễ kỷ niệm công phu ấn tượng, nhưng cử tri băn khoăn nhiều về chi phí cho những sự kiện đó gây lãng phí. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhân danh văn hóa tâm linh được xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, môi trường cảnh quan, an ninh quốc phòng; nhiều lễ hội bị lạm dụng và biến tướng.

“Dường như chúng ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững, bởi theo tôi, muốn có văn hóa phát triển bền vững, cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực chất, khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống”, đại biểu Mai Hoa nêu ý kiến.
Nêu quan điểm về xây dựng văn hóa trong nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, không chỉ xây dựng các thiết chế văn hóa để đủ điều kiện công nhận tiêu chí nông thôn mới mà điều quan trọng là phải thông qua nông thôn mới để khôi phục lại văn hóa làng xã. Đặc biệt, cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế.

Dẫn chứng về một cách làm hay của Đồng Tháp, đại biểu Mai Hoa cho biết, qua xây dựng mô hình “Hội Quán”, người dân Đồng Tháp đã được kết nối, tự nguyện cùng ngồi lại trao đổi về cuộc sống, về hợp tác làm ăn, đề cao đạo đức trong sản xuất, trong kinh doanh.

Qua đó, khơi dậy trách nhiệm của người dân, trao cho người dân quyền tự chủ để giải quyết những vấn đề trong cộng đồng; đồng thời cũng là vấn đề của gia đình, của chính bản thân mình. 85 hội quán của Đồng Tháp đã và đang phát huy tác dụng, góp phần làm nên nét văn hóa ấn tượng của xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp
Cũng nêu ý kiến về vấn đề quản lý thông tin, nhất là các trang mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá hệ thống kết nối thông tin qua mạng xã hội có những ảnh hưởng rất tích cực tới đời sống của người dân, nhưng mặt trái của mạng xã hội cũng đang có những tác động tiêu cực khiến tâm lý xã hội hoang mang, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của sự tấn công vô hình từ các trang mạng xã hội.
Đại biểu nêu câu hỏi: “Có hay không hiện tượng bão mạng tạo nên áp lực cho tâm lý xã hội và buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải chạy theo để xử lý?” Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong việc thanh lọc, hạn chế tin xấu, tin độc, nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Văn Điệp -TTXVN

Cùng quan điểm với đại biểu Mai Hoa, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, về an toàn thông tin và an ninh mạng, thời gian qua, công tác quản lý mạng xã hội vẫn chưa chặt chẽ. Mặc dù Luật An ninh mạng đã có quy định về những điều cấm, nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện các thông tin xấu độc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, chế độ và đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Điều này làm ảnh hưởng xấu đến lối sống và trật tự an toàn xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhận thấy việc triển khai Luật An ninh mạng là chưa hiệu quả, nhiều nội dung của Luật chưa đi vào cuộc sống. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có đánh  giá về công tác triển khai Luật An ninh mạng, từ đó có giải pháp tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
*Tình hình ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ
Tranh luận với đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khi đại biểu này cho rằng, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thời gian qua, nhiều vấn đề môi trường đã xảy ra và tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn đã lên đến mức báo động đỏ. Nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu ở phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm đến 75% từ nguồn thải khác. Vì vậy, chỉ có can thiệp chính xác, phối hợp nhiều ban, ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, không thể cải tạo môi trường không khí chỉ bằng những biện pháp đơn lẻ, những giải pháp che giấu kết quả quan trắc hay xử phạt vi phạm mà cần có sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng. “Chúng ta đã có Quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có để đưa tiêu chí cụ thể để cải thiện chất lượng không khí năm sau khá hơn năm trước?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Đại biểu chỉ ra, vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo hình ảnh rất đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp, người dân xếp hàng lấy nước. Sự việc này làm lộ ra công tác quản lý nguồn nước còn lỏng lẻo, tạo ra nhiều khe hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân. Đại biểu đề nghị rà soát các văn bản pháp luật đã ký với các công ty cấp nước đã được cổ phần hóa để đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước.

Đại biểu cũng thẳng thắn nêu: “Các dự án xẻ núi, phá rừng, nếu rà soát lại đều tìm thấy những bất cập, khuyết điểm. Khi bị nhân dân và báo chí phanh phui lại tìm ra cách che đậy, không từ thủ đoạn nào để lấp liếm tội ác và lại được bộ phận những người có trách nhiệm tặc lưỡi cho qua với những suy nghĩ đơn giản là môi trường là cái gì đó rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ”.
Nhắc đến việc khai thác cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường, đại biểu nhắc đến vấn đề Biển Đông. “Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác sử dụng. Chúng ta cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc được biết", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Theo đại biểu, ngoài các phương pháp Việt Nam sử dụng trong thời gian vừa qua như phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, cần có thêm các biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước đã khẳng định bất di, bất dịch là không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ./.

Xem thêm:

>>Đại biểu Quốc hội đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội?

>>Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Bắt đầu thảo luận về kinh tế- xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục