Quản lý an toàn thực phẩm trường học tại Hà Nội- Bài 1: Còn nhiều lỗ hổng

10:20' - 06/04/2019
BNEWS Thực phẩm bẩn vẫn len lỏi vào các trường học cho dù các ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhiễm sán lợn, được phát hiện từ bữa ăn trường học ở nhiều địa phương, khiến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Những vụ việc này không chỉ làm đau đầu cơ quan chức năng, mà còn khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào tại các trường học, cũng như đẩy mạnh truyền thông, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để răn đe. Phóng viên TTXVN có loạt hai bài phản ánh về vấn đề này.
Bài 1: Còn nhiều lỗ hổng
Vì sao thực phẩm bẩn vẫn lọt vào trường học là câu hỏi nhiều người đặt ra khi các vụ ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường ruột liên tiếp xảy ra trong các nhà trường thời gian gần đây.
* Khó kiểm soát

Các y tá, bác sỹ đang nỗ lực dồn sức cứu chữa bệnh cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Khi các vụ ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng đường ruột xảy ra trong trường học, điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) khiến hơn 200 trẻ cùng 3 giáo viên nhập viện, hay như vụ học sinh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bị nhiễm sán lợn, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cho thấy quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều lỗ hổng, khiến thực phẩm bẩn dễ dàng lọt vào các bếp ăn trường học.
Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội), khi truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho thấy, nhà trường tự tổ chức bếp ăn cho giáo viên, học sinh, nhưng nguyên liệu do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp.

Công ty Bảo An lại nhập nguyên liệu từ bên thứ ba là Công ty Nguyên Cát. Ngoài nơi sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, điều đáng lưu ý là ngay từ khâu đầu vào, thực phẩm đã không rõ nguồn gốc, tiêu chí an toàn.

Tuy nhiên, dưới mác an toàn thực phẩm của Công ty Bảo An, số bánh nhiễm khuẩn vẫn dễ dàng lọt vào trường học và gây ra ngộ độc cho hàng trăm trẻ.
Còn vụ học sinh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bị nhiễm sán lợn xảy ra mới đây, sau khi truy xuất nguồn gốc, cơ quan chức năng đã xác định được đơn vị cung cấp thực phẩm.

Tuy nhiên, theo cán bộ kiểm tra, việc truy xuất nguồn thực phẩm còn gặp khó khăn do các đoàn khi đến kiểm tra, ngoài giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng cấp phép, chỉ biết dựa vào sổ ghi chép, lưu trữ thu mua thực phẩm từ những nguồn nào.

Trong khi đơn vị thu mua thực phẩm từ các nguồn khác nhau gom lại, nên việc kiểm tra cũng chỉ dựa vào lòng tin là chính.
Mới đây, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện thịt gà bốc mùi, ôi thiu được cung cấp cho bếp ăn trường học.

Sau đó, với sự giám sát chặt của phụ huynh, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm đổi lại số gà bị hư hỏng, nên sau hơn một giờ, nhân viên Công ty An Việt đã đổi lại thịt gà cho bếp ăn.
Uy tín và năng lực của nhà cung cấp thực phẩm là điều kiện quan trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, song đây lại chính là khâu còn nhiều lỗ hổng trong quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của đoàn kiểm tra liên ngành y tế - giáo dục tại các quận, huyện trong năm học 2017-2018 cũng cho thấy quy trình kiểm soát thực phẩm còn nhiều bất cập.

Một số trường do không có bếp ăn nên phải nấu nhờ các trường khác rồi vận chuyển đến, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng.

Nhiều trường mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng và kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan. Do đó, nếu các công ty dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm đó thì nhà trường rất khó phát hiện.
Ngoài ra, việc các trường thuê khoán và nhà cung cấp chia sẵn suất ăn từ bên ngoài cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào.

Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ngày càng phát triển, nhiều cơ sở quy mô nhỏ... nên khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển).
* Siết chặt quản lý
Trước thực trạng trên, ngày 19/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải họp giao ban với các trường mầm non trong và ngoài công lập trên địa bàn.

Đơn vị cung cấp thực phẩm, nước uống... cho các trường phải công khai nguồn gốc thực phẩm cho giáo viên, học sinh và phụ huynh biết.

Các trường thành lập ban thanh tra chất lượng nguồn thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học, với sự tham gia của phụ huynh.

Nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngành Y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở cần phân tuyến khám và điều trị ngay tại địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền vừa ký quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường trên địa bàn, thời gian kiểm tra từ ngày 1-26/4/2019.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học, nhưng chưa phát hiện việc cung ứng thực phẩm kém chất lượng vào bếp ăn trong khu công nghiệp hay trường học.
Năm 2019, ngành Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trường học; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm của các bếp ăn bán trú, cơ sở cung cấp suất ăn, cung cấp nước uống cho các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, thành phố triển khai mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại một số trường tiểu học trên địa bàn…
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu.

Nhất là khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xâm nhập vào Việt Nam và sau vụ học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn xảy ra mới đây, khâu kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm đưa vào các bếp ăn tập thể càng được chú trọng hơn./.
Bài 2 - Cùng giám sát để đảm bảo bữa ăn học đường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục