Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ liệu có làm thay đổi cục diện chính trị toàn cầu? (Phần 1)

05:30' - 22/07/2018
BNEWS Sự tham gia của New Delhi trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thể đóng vai trò tạo ra những chuyển biến mới về chiến lược trong bối cảnh địa chính trị phân cực hiện nay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trang mạng của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) mới đăng bài phân tích của chuyên gia P S Suryanarayana, với nhận định rằng mối quan hệ nồng ấm giữa Trung Quốc và Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách thành viên chính thức, theo đề xuất của Moskva. 

Theo bài viết, “Tinh thần Thượng Hải” (Shanghai Spirit) của SCO vẫn chưa trở thành một cơ chế phổ biến có khả năng thay thế cho “Đồng thuận Washington" (Washington Consensus - thuật ngữ mô tả một lý thuyết phát triển kinh tế ủng hộ tự do thương mại vốn là nền tảng cho hàng loạt tổ chức toàn cầu hiện tại.

Dù vậy, Trung Quốc và Nga, hai nước đồng sáng lập SCO, khẳng định rằng sự tin tưởng lẫn nhau và bình đẳng giữa các quốc gia, cùng với việc theo đuổi sự phát triển chung có thể đem lại kết quả “cùng thắng” cho tất cả các nước. Ngụ ý trong chính sách ngoại giao này của SCO là việc bác bỏ "Đồng thuận Washington" với quan ngại rằng nó chỉ có lợi cho Mỹ và các quốc gia phương Tây.

Trong môi trường phân cực hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một thành viên chính thức của SCO tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này diễn ra tại Thanh Đảo (Trung Quốc) vào ngày 9-10/6/2018. Cuộc gặp mới nhất giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thanh Đảo cần được nhìn nhận dưới góc độ là New Delhi vốn có truyền thống tự chủ về chiến lược.

Với mong muốn duy trì quan hệ đối tác Ấn Độ-Nga, Thủ tướng Modi đang tìm kiếm sự hòa hợp chiến lược với Washington và một trạng thái “bình thường mới” ổn định trong quan hệ Trung-Ấn.

Đáp lại quan điểm này của ông Modi, ông Tập cho biết hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo này tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng Tư là “một điểm khởi đầu mới”. Về phần mình, ông Modi mô tả cuộc gặp gỡ tại Vũ Hán là một “cột mốc quan trọng”.

Ngay sau đó, bên lề cuộc gặp tiếp theo giữa ông Modi và ông Tập ở Thanh Đảo ngày 9/6, nhiều thỏa thuận đáng chú ý đã được ký kết giữa hai nước. Cụ thể, Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Ấn Độ.

Bên cạnh đó, để giải tỏa quan ngại liên quan đến việc Trung Quốc kiểm soát khu vực thượng nguồn của các con sông chảy qua lãnh thổ Ấn Độ có thể gây ra các vấn đề về môi trường và kinh tế cho Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ cung cấp dữ liệu thủy văn cho New Delhi. Về phía Ấn Độ, nước này cam kết sẽ tăng tốc việc cấp phép mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại Mumbai.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề xuất nâng kim ngạch thương mại song phương Trung-Ấn lên 100 tỷ USD vào năm 2020. Để hướng tới mục tiêu này, ông Tập “khuyến khích” các công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đăng ký tại Trung Quốc để tiếp thị các loại thuốc chất lượng cao.

Đề cập đến quyền lực mềm về văn hóa của Ấn Độ, ông Tập đã nhắc đến đến sự nổi tiếng của các bộ phim Bollywood như "Dangal" và "Bahubali" ở Trung Quốc. Do đó, ông Tập đề xuất một cơ chế ngoại giao nhân dân mới để thúc đẩy trao đổi hai chiều, và đã nhận được sự ủng hộ từ phía Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục