Quan chức Mỹ nhận định về hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp trong nước với Huawei

13:04' - 01/07/2019
BNEWS Một trong những lợi ích trước mắt sau khi giới chức Mỹ và Trung Quốc nhất trí theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại là nhiều công ty Mỹ có thể sẽ được cấp giấy phép bán sản phẩm cho Huawei.
Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhận định về "những cơ hội tốt" nói trên được Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 29/6 đã đồng ý “đình chiến” thương mại và Washington đã cam kết không áp thuế mới trong quá trình đàm phán.
Phát biểu ngày 30/6 trong chương trình "Fox News Sunday", ông Kudlow cho rằng Tổng thống Trump đã đưa ra tín hiệu “nhẹ nhàng” hơn trong vấn đề Huawei - một nội dung căn bản trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, với tuyên bố các công ty Mỹ có thể bán thiết bị cho "nơi không có vấn đề lớn về an ninh quốc gia". Theo ông Kudlow, đó là "cơ hội tốt" để Bộ Thương mại Mỹ "cấp giấy phép mới".
Tuy nhiên, ông Kudlow cũng nêu rõ rằng Huawei sẽ vẫn ở trong cái gọi là Danh sách Thực thể của Mỹ, gồm các công ty và cá nhân nước ngoài chịu sự giám sát xuất khẩu cụ thể và yêu cầu cấp phép chuyển giao công nghệ. Theo ông Kudlow, "Bộ Thương mại Mỹ sẽ cấp một số giấy phép bổ sung tạm thời theo các danh mục chung sẵn có" của các sản phẩm sẽ được bán.
Trước đó, phát biểu trong chương trình "Tucker Carlson Tonight" của Fox News, Tổng thống Trump cho biết sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, ông tin rằng hai bên đã đến gần với một thỏa thuận thương mại.

Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5/2019 mà không đạt thỏa thuận. Cuộc gặp này được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt “cuộc chiến thuế” hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G). Tuy vậy, Mỹ lo ngại về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei - điều mà tập đoàn này luôn bác bỏ.
Trung tuần tháng 5/2019, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".

Nhà Trắng đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei tới giữa tháng 8/2019, động thái được cho nhằm giảm thiểu những rắc rối đối với khách hàng của Huawei trên thế giới.

Trong khoảng thời gian 90 ngày này, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei tiếp tục mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho những sản phẩm di động của Huawei hiện nay. Tuy vậy, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép./.

Xem thêm:

>>Tổng thống Nam Phi cam kết ủng hộ Huawei

>>Huawei khẳng định không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Canada

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục