Quả ngọt và trái đắng từ FTA

17:29' - 15/06/2019
BNEWS Hiệp định thương mại tự do không chỉ đem đến những “quả ngọt” mà còn cả “trái đắng”.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) trao cho các quốc gia quyền tiếp cận rộng mở hơn đối với các thị trường trên toàn cầu. Tuy nhiên, sáng kiến thương mại này không chỉ đem đến những “quả ngọt” mà còn cả “trái đắng”.

Một mặt, FTA giúp gia tăng đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặt khác, FTA cũng tạo nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm các doanh nghiệp và nông dân trong nước gặp khó khi cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

FTA được thiết kế để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Ảnh: reuters

Các chuyên gia cho rằng chính phủ vẫn cần bảo vệ người dân và nguồn tài nguyên trước những tác động bất lợi từ FTA, đồng thời nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại không thể là giải pháp hữu hiệu.

*"Quả ngọt" từ FTA

FTA được thiết kế để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Những lợi ích mà FTA mang lại là không thể phủ nhận, trong đó phải kể đến việc tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp, giảm bớt chi tiêu chính phủ khi loại bỏ các khoản trợ cấp, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và quá trình chuyên môn hóa các ngành công nghiệp trong nước và mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ mới.

Đối với chính phủ, FTA giúp cắt giảm chi tiêu bởi thông thường chính phủ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước thông qua các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, hoàn tiền…

Song khi FTA được thực thi, các doanh nghiệp không còn phụ thuộc nhiều vào những chính sách bảo hộ vì họ buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể trụ vững. Khoản ngân sách tiết kiệm được có thể chuyển sang các chương trình an sinh xã hội khác.

Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, FTA giúp tạo ra một môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải tìm ra những giải pháp đổi mới để thích ứng và tồn tại.

Đồng thời, FTA còn cung cấp nhiều lựa chọn và mức giá phải chăng hơn cho người tiêu dùng. Khi các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác được miễn giảm thuế tràn vào thị trường, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong hoạt động mua sắm. Mức cạnh tranh cao cũng sẽ khiến giá thành sản phẩm giảm.

Đối với người lao động, FTA cũng đem đến một môi trường làm việc an toàn hơn, bởi an toàn lao động thường là một trong những vấn đề ưu tiên trong hiệp định này. Khi vấn đề an toàn được đảm bảo, năng suất lao động cũng theo đó mà được đảm bảo.

Về mặt chuyển giao công nghệ, FTA sẽ tạo cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp sở tại tiếp cận các công nghệ mới nhất. Việc tiếp cận này sẽ giúp gia tăng cơ hội nghề nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Trên phương diện đầu tư, khi FTA giúp hạ bớt những rào cản, doanh nghiệp sẽ muốn đầu tư ra nước ngoài, qua đó các doanh nghiệp sở tại sẽ hưởng lợi từ mức đầu tư cao hơn.

Một những FTA điển hình trên thế giới là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nay được thay thế bằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và đang chờ Quốc hội ba nước thông qua.

Trong 25 năm NAFTA có hiệu lực, nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới đã tăng thêm 0,5%/năm. Trong khi đó, Mexico hưởng lợi từ cơ hội tạo việc làm gia tăng nhờ thỏa thuận thương mại, còn Canada tăng cường hoạt động xuất khẩu sang các nước láng giềng.

Trước NAFTA, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa ba nước đã cán mốc 1.000 tỷ USD, song sau khi hiệp định này có hiệu lực, con số này đã tăng 125%.

Đáng chú ý, gần đây, FTA Nhật Bản – Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào ngày 1/2/2019. FTA này tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới với khoảng 600 triệu dân.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và EU đạt khoảng 125 tỷ euro (148,69 tỷ USD)/năm.

Với EU, sau khi dỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, lượng hàng xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản với thị trường hơn 126 triệu dân và GDP 5.405 tỷ USD sẽ tăng thêm 30%.

Ngược lại, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%, mang lại nhiều cơ hội và việc làm hơn.

* ... và những "trái đắng"

Những chỉ trích lớn nhất nhằm vào FTA là tình trạng mất việc làm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, “phủ mây đen” lên các ngành công nghiệp nội địa, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm giảm nguồn thu từ thuế.

Việc giảm thuế cho phép các công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước khác, theo đó, sẽ làm giảm việc làm trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không có luật bảo vệ những phát minh và bằng sáng chế. Hệ quả là các doanh nghiệp thường bị đánh cắp các ý tưởng và phải cạnh tranh với các sản phẩm có giá thấp hơn.

FTA cũng tạo nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Ảnh minh họa: Public Radio International

Một số nhà quan sát cho rằng nhiều doanh nghiệp sở tại chưa tận dụng được cơ hội từ FTA trong bối cảnh chính sách miễn giảm thuế khiến các nhà cung ứng nước ngoài dễ dàng hạ giá sản phẩm, gây khó khăn cho doanh nghiệp sở tại khi cạnh tranh về giá.

Một thực trạng đáng buồn khác khi FTA có hiệu lực là những gia đình làm nông nghiệp nhỏ tại các nước đang phát triển không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được nhận trợ cấp tại các nước phát triển.

Những gia đình này sẽ buộc phải tìm việc làm tại các thành phố, qua đó làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm và nghèo đói. Mặc dù chính phủ Nhật Bản ước tính thỏa thuận với EU sẽ mang lại lợi ích kinh tế vào khoảng 48 tỷ USD và tạo ra 290.000 việc làm.

Tuy nhiên, nông dân Nhật Bản quan ngại rằng việc cắt giảm thuế quan với EU sẽ khiến hàng hóa khối này rẻ hơn và tràn vào thị trường nội địa.

Tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi thực thi FTA, giữa bối cảnh các thị trường mới nổi chưa có các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp có thể lạm dụng việc thiếu các quy định để khai thác quá mức nguồn tài nguyên. Môi trường ô nhiễm còn dẫn tới bệnh tật và chết chóc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích NAFTA tạo ra sân chơi bất bình đẳng, tạo điều kiện cho Mexico “đánh cắp" việc làm của người Mỹ và mở cửa cho các loại hàng hóa giá rẻ tràn vào Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền người đứng đầu Nhà Trắng luôn nhắc tới khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" để biện hộ cho chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bảo hộ thương mại không phải là câu trả lời cho những trở ngại từ FTA. Việc áp thuế chỉ bảo vệ được các ngành công nghiệp nội địa trong ngắn hạn. Giải pháp hiệu quả hơn là đưa thêm các điều khoản hạn chế tác động tiêu cực vào FTA, song quá trình đàm phán vẫn cần dựa trên sự tôn trọng lợi ích giữa các bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục