PVN dẫn đầu các doanh nghiệp tại Việt Nam về lợi nhuận

15:27' - 26/09/2019
BNEWS Với lợi nhuận đã được kiểm toán trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đạt 50.600 tỷ đồng, PVN đã vươn lên vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về lợi nhuận.
Giàn công nghệ số 2, mỏ Bạch Hổ. Ảnh: PVN
Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Viettel và 2 doanh nghiệp trực thuộc tổ hợp Samsung Việt Nam là Samsung Electronics Vietnam (Samsung Bắc Ninh) và Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (Samsung Thái Nguyên) là 4 doanh nghiệp có lợi nhuận dẫn đầu trong trong nền kinh tế.

Năm 2018, với lợi nhuận trước thuế 50.600 tỷ đồng, tăng 7,5% so với mức 47.000 tỷ đồng năm 2017, PVN đã soán ngôi đầu 3 năm liền trước đó của Samsung Thái Nguyên và vươn lên vị trí dẫn đầu.

Trong khi đó, Samsung Thái Nguyên xuống vị trí thứ hai với lợi nhuận 43.300 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 30% so với năm 2017.

Hoạt động hiệu quả và tình hình tài chính lành mạnh của PVN của thời gian qua đã được nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao.

Ngày 22/10/2018, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng Profit 500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018.

Theo đó, PVN đứng đầu bảng xếp hạng khi vượt qua vị trí dẫn đầu trong năm 2017 của Viettel.

Mới đây nhất, Fitch Ratings cũng đã công bố kết quả đánh giá tín nhiệm độc lập của PVN ở mức bb+; xếp hạng nhà phát hành công cụ nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) lần đầu tiên ở mức ‘BB’ với ‘Triển vọng tích cực’, mức xếp hạng IDR này của PVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (BB/Triển vọng tích cực).

Mức tín nhiệm này được đánh giá sẽ giúp PVN nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư của mình trong bối cảnh hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.

Đây cũng là một trong những cơ sở đáng tin cậy khẳng định năng lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của PVN, đem lại sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các đối tác chiến lược, đặc biệt trong giai đoạn PVN đang đẩy mạnh công tác tái cấu trúc.

Kết quả xếp hạng của Fitch Ratings được thực hiện căn cứ vào mối quan hệ chặt chẽ của PVN với Nhà nước, vị thế thị trường vững chắc, hoạt động tích hợp từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn bao gồm tìm kiếm, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, phân bón, phân phối xăng dầu, khí và sản xuất điện.

Theo Fitch, với vị thế là một trong những doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất của Việt Nam, PVN không gặp khó khăn trong việc huy động vốn  nhưng PVN cần đẩy mạnh tiếp cận nguồn vốn quốc tế cho các kế hoạch mở rộng hoạt động.

Fitch cũng đánh giá các tác động chính trị – xã hội của PVN là rất mạnh, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động của PVN sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam.

Thực tế là trong 2 năm vừa qua, ban lãnh đạo PVN đã có các quyết sách và điều hành chính xác, linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu suy giảm.

Trong năm 2018, PVN đã hoàn thành bán đấu giá cổ phần lần đầu của PV Power, PVOIL và BSR.

Cả 3 doanh nghiệp này đều có quy mô vốn lớn của PVN với giá trị phần vốn góp của Nhà nước được kiểm toán xác định là 89.000 tỉ đồng.

Qua đợt IPO thành công của 3 doanh nghiệp, PVN đã thu về 16.500 tỉ đồng, trong đó thặng dư giá trị vốn Nhà nước là 7.500 tỉ đồng.

Tính cả giá trị cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thu về 18.600 tỉ đồng, chiếm tới 83% giá trị thực hiện của cả nước (22.500 tỉ đồng); tài sản, vốn chủ sở hữu của PVN đã được bảo toàn và phát triển tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, PVN đang tập trung quản trị nguồn lực, tài chính và đầu tư cũng như quản trị và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường để gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PVN đã xây dựng, triển khai đồng bộ và toàn diện công tác quản trị rủi ro và kiểm soát rủi ro, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp trong các hoạt động của tập đoàn và tái tạo văn hóa dầu khí trong giai đoạn mới để người lao động tin tưởng gắn bó và cống hiến, phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo. Đây là cơ sở để PVN vượt qua mọi khó khăn, phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, PVN tiếp tục “mở cửa” lĩnh vực dịch vụ, chỉ giữ những dịch vụ liên quan trực tiếp tới khâu thăm dò khai thác dầu khí và thực hiện thoái vốn trong lĩnh vực điện theo lộ trình cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung vào 3 lĩnh vực thăm dò - khai thác, công nghiệp khí và chế biến dầu khí từ sau 2025.

PVN cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí.

PVN cho biết, tính đến hết tháng 8/2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 489.500 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch 8 tháng và bằng 80% kế hoạch năm.

Nộp Ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 68.900 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch 8 tháng và bằng 78,8% kế hoạch năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục