PV Power với cuộc “Săn lùng” nhà đầu tư chiến lược

13:17' - 16/01/2018
BNEWS PV Power sẽ ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược là chủ các mỏ dầu khí, mỏ than để có thể cung cấp nguồn nhiên liệu đầu vào lâu dài cho các nhà máy điện của PV Power.
Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ (trái) và Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Xuân Hoà (phải) tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Roadshow ngày 16/1 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

*Ưu tiên nhà đầu tư chiến lược

Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu PV Power” diễn ra ngày 16/1, Chủ tịch Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) Hồ Công Kỳ cho biết, theo phương án cổ phần hoá PV Power đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/12/2017, Nhà nước sẽ thoái vốn tại PV Power và chỉ nắm giữ 51% sau cổ phần hoá.

Theo đó, cổ phần PV Power được đấu giá công khai lần đầu (IPO) là 20% (tương đương 468.374.320 cổ phần) vào ngày 31/1 tới đây.

Như vậy, 28,882 % vốn điều lệ (tương đương 676.385.364 cổ phần) sẽ được ưu tiên bán cho nhà đầu tư chiến lược. Phần còn lại 0,118% vốn điều lệ được bán cho người lao động PV Power.

Theo Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Xuân Hoà, với tỷ lệ ưu tiên bán cho nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư có thể thông qua cả IPO và mua cổ phần theo dạng Nhà đầu tư chiến lược để có thể sở hữu trên 36% vốn điều lệ của PV Power và có quyền phủ quyết trong Hội đồng cổ đông.

Đây chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược khi có ý định đầu tư vào một doanh nghiệp có quy mô lớn và giá trị cao như PV Power, ông Hoà nhấn mạnh.

Cùng với đó, sau năm 2019, nếu PV Power đàm phán được với các nhà tài trợ quốc tế về tái cấu trúc các khoản vay cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 thì PV Power có thể giảm tiếp vốn sở hữu Nhà nước xuống thấp hơn mức 51% theo phương án thoái vốn lần thứ 2 và chưa có “vùng đáy”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phát điện không nằm trong danh mục hạn chế các nhà đầu tư tham gia như một số lĩnh vực đặc thù khác nên đây chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của PV Power hiện ở mức tốt (60/40), nghĩa là có 2 đồng thì đi vay 3 đồng cũng chính là điểm hấp dẫn với nhà đầu tư bởi so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề thì tỷ lệ này là 70/30, thậm chí có doanh nghiệp là 90/10 (có 1 đồng đi vay 10 đồng).

Ông Hoà cũng cho biết, tại các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư chiến lược cách đây 1 năm tại nhiều nước trong khu vực và thế giới, việc cổ phần hoá PV Power đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư.

Trong đó, có nhóm các nhà đầu tư phát điện với tiềm lực tài chính, nhân lực và công suất nguồn lớn hơn PV Power rất nhiều. Tiếp đến là nhóm các chủ mỏ khí, chủ mỏ than từ Indonesia, Australia, Qatar, Arab Saubia…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, PV Power đã lựa chọn được 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với mong muốn và tiêu chí của PV Power để có thể hợp tác trong thời gian từ 5 - 10 năm.

Hiện PV Power đang trong lộ trình cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết hơn để các nhà đầu tư này có căn cứ đưa ra các bản chào mua phù hợp.

Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về Chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 1/1/2018, tiêu chí bắt buộc với nhà đầu tư chiến lược là phải giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm; 2 năm liên tục không bị lỗ về tài chính.

Tuy nhiên, PV Power cũng hướng ưu tiên tới các nhà đầu tư chiến lược có thể thu xếp vốn cho PV Power triển khai một loạt các các dự án nhiệt điện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, PV Power cũng ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có thể nâng cao năng lực quản trị tài chính, nhân lực, quản lý kỹ thuật và hoạt động trong lĩnh vực phát điện để có thể cùng với PV Power đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu khí và than cho các công trình trong tương lai khi mà nguồn tài nguyên trong nước suy giảm.

Đề cập đến các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ cho biết, nhà đầu tư chiến lược phải có khả năng bổ trợ cho PV Power trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng như: vận hành các nhà máy điện, sửa chữa, bảo dưỡng.

Đặc biệt, PV Power ưu tiên nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng cam kết nhận chuyển nhượng một số dự án điện than mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư.

Đây là yếu tố rất quan trọng bởi sau khi PV Power cổ phần hoá, người đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước là PVN sẽ không thể bằng văn bản hành chính đơn thuần giao cho PV Power các dự án điện để quản lý hoặc vận hành, bảo dưỡng như hiện nay mà phải thông qua Hội đồng cổ đông.

*Cổ tức không hấp dẫn trong ngắn hạn

Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Hoà cho biết, từ đầu năm 2018, các quỹ đầu tư phát triển của PV Power là bằng 0 do tất cả lợi nhuận các quỹ được kết chuyển về cho chủ sở hữu.

Phần lợi nhuận này sẽ tập trung cho đầu tư và phục vụ các chiến lược trong tương lai, PV Power chỉ cam kết mức chia cổ tức năm đầu tiên thấp nhất là 5%.

Vận hành hệ thống dẫn khí phục vụ phát điện tại nhà máy điện Cà Mau 2-Nhà máy thuộc PV Power. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN.

Theo kế hoạch, hai dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng công suất 1.500 MW dự kiến đưa vào phát điện năm 2021 và 2022 nên phần vốn góp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư ban đầu như san lấp mặt bằng, đền bù giải toả, đóng thuế tài nguyên.

Đặc biệt, trong giai đoạn PV Power lựa chọn nhà thầu EPC, thanh quyết toán cho nhà thầu thì nguồn vốn sẽ cần rất lớn.

Theo ông Hoà, với suất đầu tư 1 MW nhiệt điện khí hiện vào khoảng 1 triệu USD, nguồn vốn để đầu tư cho Nhơn Trạch 3&4 sẽ lên tới 1,5 tỷ USD và được phân bổ lần lượt theo đúng tiến độ đầu tư kể từ năm 2018.

Vì vậy, ngay cả mức cổ tức cam kết 5% cũng là rất tham vọng trong bối cảnh PV Power vẫn phải đi vay ngân hàng, ông Hoà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn về tương lai phát triển, PV Power được đặt trên trụ cột quan trọng là PV Power có đà tăng trưởng mạnh theo dự báo nhu cầu điện năng.

Việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện khí này sẽ hiệu quả bởi nhu cầu tăng trưởng điện cho khu vực phía Nam vào khoảng 11%/năm, trong khi hiện chưa đáp ứng được đủ nhu cầu.

Cụm dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng công suất 1.500 MW đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - tam giác kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước.

Điều này đồng nghĩa khi hoàn tất công tác đầu tư thì việc huy động nguồn điện và giá bán điện sẽ rất tốt dựa trên sự tham chiếu của Nhà máy Nhơn Trạch 2.

Bên cạnh đó, cụm nhiệt điện khí Kiên Giang 1&2 sử dụng khí Lô B Ô Môn (tổng công suất 1.500 MW); cụm nhiệt điện Sơn Mỹ 2.1 & 2.2 & 2.3 (tổng công suất 2.250 MW) sử dụng khí nhập khẩu; cụm nhiệt điện miền Trung dùng khí Cá Voi Xanh với tổng công suất 1.500 MW đang được Chính phủ giao cho PVN làm chủ đầu tư theo Tổng Sơ đồ phát triển điện 7 điều chỉnh.

Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào năng lực của PV Power, PVN sẽ cho PV Power đầu tư hoặc cùng đầu tư các dự án này nên đến năm 2026, PV Power có thể tăng tỷ trọng công suất phát điện từ mức 12% hiện nay lên 20%.

Đây chính là tỷ trọng “đẹp” cho một Công ty phát điện (Genco) bởi sẽ không phải “gánh” các trách nhiệm khác ngoài trách nhiệm kinh tế làm phát sinh chi phí, ông Hoà khẳng định./.

Xem thêm:

>>>>PV Power tăng tỷ lệ cổ phiếu bán ra công chúng

>>>PV Power sẽ đầu tư 9 nhà máy nhiệt điện khí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục