PLX mở rộng kênh bán lẻ và phát triển dịch vụ đi kèm

12:27' - 12/12/2019
BNEWS PLX dự kiến mở 800 - 100 trạm cây xăng sở hữu (COCO) mới mỗi năm; trong đó, ưu tiên các trạm có quy mô lớn với diện tích hơn 2.000 m2/trạm.
Báo cáo cập nhật doanh nghiệp mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã chứng khoán - PLX) tiếp tục mở rộng kênh bán lẻ, đi cùng với phát triển dịch vụ đi kèm. Đây là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn này.

Theo đó, PLX dự kiến mở 800 - 100 trạm cây xăng sở hữu (COCO) mới mỗi năm; trong đó, ưu tiên các trạm có quy mô lớn với diện tích hơn 2.000 m2/trạm. Việc này nhằm phát triển các dịch vụ bổ sung như: rửa xe và bảo dưỡng; cửa hàng tiện lợi và quán café, nhà hàng.

PLX đang phân loại hệ thống trạm theo khu vực và sản lượng tiêu thụ, từ đó xây dựng mô hình phát triển dịch vụ bổ sung cho từng hạng mục trong năm 2020 trước khi triển khai thí điểm.

Cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Theo nghiên cứu của PLX và JXTG (Tập đoàn JXTG hiện đang là cổ đông chiến lược và nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex), các dịch vụ bổ sung có thể giúp tăng khoảng 20 - 30% lợi nhuận gộp tại các trạm xăng trong giai đoạn đầu và lên tới 60 - 70% trong các giai đoạn sau.

Mặt khác, PLX ước tính tăng cường tính tự động hóa trong hệ thống bán lẻ để giảm chi phí hoạt động và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Trong dài hạn, bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, PLX cũng xem xét xây dựng Kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Nam Vân Phong và Khánh Hòa để cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng công suất ước tính là 6 GW.

Theo đó, dự án kho LNG sẽ bao gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 3 triệu tấn/năm. Giai đoạn đầu dự kiến thực hiện trong năm 2022-2025, với chi phí đầu tư 700 triệu USD.

Lãnh đạo PLX cho biết, mục tiêu của Petrolimex trong 10 năm tới trở thành Tập đoàn năng lượng có quy mô vốn hóa chục tỷ USD và dẫn đầu thị trường cung cấp các nguồn năng lượng sạch, tiêu chuẩn chất lượng cao, thân thiện môi trường.

Để đạt được mục tiêu đó, Petrolimex đang xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, từ việc kiện toàn bộ máy tổ chức, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào hệ thống quản trị doanh nghiệp đến hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh bán lẻ xăng dầu, triển khai các công nghệ thanh toán tiên tiến, kết hợp phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu nhằm khai thác tối đa mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng cũng như triển khai dự án đầu tư kho cảng và cung cấp khí LNG cho trung tâm điện lực EVN để mang lại các nguồn lợi nhuận khác ngoài xăng dầu.

Trong 9 tháng năm 2019, mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp hầu như không thay đổi ở mức 140.340 tỷ đồng và 10.700 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ tăng bù đắp cho giá xăng dầu giảm, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, nhưng lợi nhuận trước thuế của PLX vẫn duy trì mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.371 tỷ đồng và hoàn thành 83% kế hoạch năm.

Kết quả này nhờ khoản lãi ròng từ chênh lệch tỷ giá tăng 357 tỷ đồng từ mức âm 346 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018 lên mức dương 11 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019 và việc giảm tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.

Ban lãnh đạo PLX cho rằng, kết quả kinh doanh năm 2019 có thể vượt kế hoạch 5.250  tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2018.

Tính từ giá mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2/1/2019, cổ phiếu PLX có giá 54.280 đồng/cổ phiếu, từ tháng 2/2019 cổ phiếu này bắt đầu xu hướng tăng và đạt mốc 66.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch ngày 24/7. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở lại đây, PLX liên tục có những phiên giảm giá và kết phiên giao dịch sáng ngày 12/12 cổ phiếu này trở về mức giá 55.700 đồng/cổ phiếu, với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) ở mức khoảng 15,57./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục