Phú Yên phát triển làng nghề truyền thống ven biển

14:26' - 08/03/2017
BNEWS Phú Yên hiện có 8 làng nghề truyền thống ven biển như chế biển hải sản, chế biến nước mắm, dệt chiếu, làm bánh tráng, làm thúng chai.... góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Tỉnh Phú Yên đang sắp xếp lại hoạt động các làng nghề truyền thống ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó, chọn Làng nghề dệt chiếu Phú Tân và Làng nghề hấp sấy cá cơm Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) là 2 trong số 5 mô hình làng nghề sẽ hoạt động theo phương thức kinh tế hợp tác.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh Phú Yên cũng chọn các tour du lịch đến một số làng nghề ven biển gắn với khám phá bản sắc dân tộc như hò bá trạo, hát bài chòi và khuyến khích người dân làm hàng mỹ nghệ từ vỏ hải sản.

Tỉnh Phú Yên hiện có 8 làng nghề truyền thống ven biển như chế biển hải sản, chế biến nước mắm, dệt chiếu, làm bánh tráng, làm thúng chai.... góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, phần lớn là lao động nữ. Các làng nghề hình thành từ rất lâu và hiện thu hút gần 1.250 hộ trực tiếp tham gia, chiếm khoảng 18,8% số hộ sống dọc ven biển.

Nghề thu hút nhiều lao động nhất là nghề trồng cói, dệt chiếu ở hai huyện Tuy An và Đông Hòa. Riêng làng nghề dệt chiếu Phú Tân thuộc xã An Cư, huyện Tuy An hiện có gần 250 hộ tham gia, tạo việc làm ổn định cho 500 lao động và thu nhập trung bình mỗi ngày từ 60.000 - 80.000 đồng. Ngoài ra, hàng trăm lao động khác sống bằng nghề trồng cói trên diện tích 25ha để cung cấp nguyên liệu dệt chiếu. Hiện làng nghề dệt chiếu Phú Tân có 2 tổ hợp tác; trong đó, Tổ hợp tác chiếu cói Phú Tân giải quyết việc làm cho 135 lao động và mỗi ngày sản xuất 150 chiếc.

Làng nghề hấp sấy cá cơm ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) và thôn Mỹ Quang Nam thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An) thường hoạt động cao điểm từ sau tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào thời điểm đó, cá cơm xuất hiện nhiều với sản lượng mỗi đêm có thể khai thác ít nhất 10 tấn trở lên.

Cá cơm sau khi đưa lên bờ cung cấp hơn 60 lò sấy hấp thủ công để sơ chế qua 3 công đoạn lựa, hấp và phơi. Mỗi lò sấy giải quyết từ 25 - 40 lao động. Cá cơm sau khi sơ chế được thương lái và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mua để chế biến xuất khẩu. Cá cơm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được dùng để chế biến nước mắm.

Làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ thuộc xã Xuân Thọ 1 (thị xã Sông Cầu) có hơn 70 hộ chuyên làm nghề này với những thương hiệu khá nổi tiếng như nước mắm: Ông Già, Bà Mười, Thanh Hương..... Mỗi năm, làng nghề nước mắm Gành Đỏ đưa ra thị trường không dưới 2 triệu lít. Ngoài ra, nhiều hộ ở Gành Đỏ còn làm thêm nghề chế biến hải sản khô từ cá, mực, tép…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục