Phú Yên khó đạt mục tiêu đóng mới tàu đánh bắt cá xa bờ

12:57' - 11/09/2016
BNEWS Hiện nay, toàn tỉnh Phú Yên mới chỉ có 33 tàu đóng mới, còn cách khá xa so với mục tiêu 170 tàu mà tỉnh đã đề ra cho năm 2016.
Phú Yên khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá xa bờ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, ngư dân tỉnh Phú Yên đã được vay vốn đóng mới 16 tàu cá với tổng kinh phí gần 199 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra trong năm nay của tỉnh Phú Yên thì tiến độ này còn quá chậm.

Theo kế hoạch của tỉnh Phú Yên, đến cuối năm 2016 có 170 tàu được đóng mới; trong đó có 15 tàu làm dịch vụ hậu cần và cải hoán 465 tàu từ 400 mã lực trở lên. Với tiến độ như trên chắc chắn đến cuối năm nay tỉnh Phú Yên sẽ không đạt mục tiêu đề ra.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ có tổng cộng 33 tàu đóng mới (trong đó 16 tàu được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho vay vốn và 17 tàu của ngư dân tự lo vốn). Riêng 107 tàu đã được cải hoán đều không vay được vốn ngân hàng, ngư dân phải tự lo, đạt 23% so mục tiêu đề ra là 465 chiếc.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, nguyên nhân chính là ngư dân không đủ phần vốn đối ứng theo yêu cầu từ phía các ngân hàng thương mại.

Việc tổ chức sản xuất trên biển cũng có những bất cập, mặc dù các tàu đã hoạt động theo tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nhưng chưa có tàu dịch vụ hậu cần đi cùng nên làm hạn chế thời gian bám biển của tàu khai thác, dẫn đến chất lượng sản phẩm hải sản khai thác không cao.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc thẩm định, phê duyệt danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện vay để trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Đơn cử như huyện Tuy An đến thời điểm này chưa có chủ tàu nào được vay vốn đóng mới, chỉ có 17 tàu do ngư dân tự đóng mới và cải hoán.

Theo đánh giá bước đầu, các tàu đóng mới có công suất từ 400 mã lực đến trên 800 mã lực, trong số 16 tàu, 8 tàu đã hạ thủy hành nghề khai thác hải sản xa bờ và đều làm ăn có lãi từ 300 triệu đến 1,050 tỷ đồng. Như tàu cá vỏ thép của ông Trương Văn Công ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa mới hạ thủy đã thực hiện chuyến biển đầu tiên và đánh bắt được 68 tấn hải sản.

Ông Công cho biết, chuyến đầu tiên ông khai thác được 18 tấn cá ngừ ồ và ngừ chù; 50 tấn cá nục, thu được trên 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và công lao động ông còn lãi được khoảng 300 triệu đồng.

Còn ông Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu là người đầu tiên ở tỉnh Phú Yên đóng tàu vỏ thép công suất máy chính 800 mã lực. Ông Lanh cho biết, qua 6 chuyến biển đã khai thác 140 tấn, chủ yếu là mực xà, cá nục, cá ngừ sọc dưa và cá ngừ ồ; trong đó có 2 chuyến vừa đủ chi phí và 4 chuyến có lãi tổng cộng 400 triệu đồng.

Để tạo điều kiện cho ngư dân hành nghề, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đã phối hợp với các địa phương mở lớp đào tạo kỹ thuật khai thác cá ngừ và thuyền trưởng hạng 4 với 70 người tham gia; đang chuẩn bị mở lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, đào tạo nghề lưới vây khơi và nghề mành chụp. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục