Phó Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

21:13' - 26/03/2019
BNEWS Chiều nay, ngày 26/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Chiều 26/3/2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình tiếp nhận và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Chiều nay, ngày 26/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đã có cuộc họp bàn về tình hình, kết quả triển khai thực hiện và những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị trong quá trình tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động trong gần 6 tháng qua của Uỷ ban; đồng thời, nhận định, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.

“Những thách thức này không phải do Uỷ ban mới ra đời có mà là tồn tại từ trước và không phải ngày một ngày hai là giải quyết được. Bây giờ chỉ là thay đổi cách làm và Uỷ ban sẽ là đầu mối giải quyết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, việc thành lập Uỷ ban có nhiều thuận lợi khi được đề cập tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII, Nghị quyết của Quốc hội giám sát tối cao về cổ phần hoá, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cũng như các chương trình hành động của Chính phủ..., lại có thêm Luật Quản lý Đầu tư Nhà nước, có Luật về Cổ phần hoá…

Hơn thế, Ủy ban ra đời đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân là có cơ quan gánh vác để hoạt động kinh doanh vốn Nhà nước có hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, vì suy cho cùng đồng vốn Nhà nước là của người dân.

Tuy nhiên, việc sửa đổi bổ sung luật còn nhiều vướng mắc chưa thể đồng bộ, tác động tới đầu tư công, đầu tư doanh nghiệp Nhà nước nên khó khăn là sẵn có và nảy sinh trong quá trình thực hiện. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Kỳ vọng của người dân vào Uỷ ban rất lớn. Do đó đòi hỏi phải có sự chuyển biến lớn. Đòi hỏi nhiều thì thanh tra, giám sát hay phản biện xã hội sẽ càng nhiều”.

Tuy nhiên Uỷ ban cũng cần phân tách chức năng với doanh nghiệp, vai trò Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; đồng thời, tổ chức, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban và các cấp ngành quán triệt tinh thần Nghị định 131/2018/NĐ-CP, tránh tình trạng Uỷ ban làm việc của quản lý Nhà nước và cơ quan Nhà nước thực hiện chồng chéo chức năng đại diện chủ sở hữu của Uỷ ban.

“Các tập đoàn, tổng công ty có quyền của người ta; tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đều có quy định về chức năng của họ. Do đó cần phân tách chức năng, việc của Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Uỷ ban không thực hiện kinh doanh vốn, quan niệm thực hiện kinh doanh vốn là hoàn toàn sai lầm, đây là chức năng của SCIC”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn thực tại của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hiện Uỷ ban đã có đủ 50 biên chế của năm 2018 được tuyển dụng từ các bộ, ngành, tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số rất ít từ các doanh nghiệp.

“Trừ lãnh đạo Uỷ ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7 đến 8 người, có đơn vị có từ 3 đến 4 người, lực lượng rất mỏng, đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị tới Chính phủ.

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác đang gặp phải, như thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư công; quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông; sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Uỷ ban đã cơ bản hoàn thiện tổ chức và hệ thống bộ máy, đồng thời ban hành 44 quy chế làm việc. Với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian hoạt động, Phó Thủ tướng cho rằng, Ủy ban cần sớm có giải pháp để nhanh chóng khắc phục; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để tiếp tục xử lý.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cần tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc; trong đó, tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, nhân sự và đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hợp tác cùng với Uỷ ban để hoàn thành tốt mục tiêu chung là tổ chức, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục