Phó Thống đốc NHNN: Cải hành hành chính, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp

07:36' - 07/09/2016
BNEWS Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch hành động theo Nghị quyết số 35/NQ-CP. Ảnh: wikipedia

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35) đối với các Bộ, ngành và đơn vị chức năng, trong đó có ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng.

Ngành ngân hàng sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ này? Những chia sẻ dưới đây của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú với phóng viên BNEWS/TTXVN sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

BNEWS: Xin Phó Thống đốc cho biết những mục tiêu, giải pháp của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chỉ hơn 1 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Mục tiêu trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng là tập trung hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; thực hiện các giải pháp để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước.

BNEWS: Những điểm nổi bật của kế hoạch hành động này là gì, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Kế hoạch hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện; kết quả được lượng hóa cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: NHNN tập trung xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ các doanh nghiệp.

Khác với các kế hoạch về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch hành động lần này có nhiều nội dung chỉ đạo cụ thể đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cắt giảm các loại phí không hợp lý, công khai, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ…

Có thể lý giải thêm về điểm khác biệt này, đó là nhiệm vụ cải cách, đổi mới không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống ngân hàng Nhà nước mà còn chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ tốt hơn mặc dù tổ chức tín dụng là doanh nghiệp không có chức năng quản lý và ban hành thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, việc cải cách, đổi mới, tạo thuận lợi trong các hoạt động, quan hệ có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi ngay.

Do đó, trong kế hoạch hành động Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ rất cụ thể đổi mới, cải tiến cho các tổ chức tín dụng. Các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí… cho doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng.

Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo trong toàn ngành các giải pháp đồng bộ cả về xây dựng cơ chế, chính sách và quán triệt nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đối với ngành, đối với đất nước trong công cuộc đổi mới hiện đại hóa đất nước.

Việc này được thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP mới được ban hành, đó là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

BNEWS: Thưa Phó Thống đốc, một trong những hạn chế trong thủ tục hành chính có liên quan đến chất lượng đội ngũ công chức. Vậy ngành ngân hàng sẽ có những giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Theo tôi, ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các ngân hàng cần kết hợp với đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức.

Vấn đề này, thời gian qua ngành ngân hàng đã bước đầu triển khai quyết liệt và đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Nếu xem xét về hệ thống các quy định của pháp luật và quy định của các cơ quan hành chính nhà nước về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công chức, có thể thấy hệ thống văn bản quy định đã được ban hành đồng bộ, khá đầy đủ, nhưng thiếu quy định cụ thể.

Ngành ngân hàng tập trung các giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp. Ảnh:TTXVN

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng công chức làm thì đúng, nhưng chưa đủ, còn sợ trách nhiệm, đùn đẩy, tính phối hợp không cao và như vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người, ý thức của cán bộ công chức.

Để cải thiện hạn chế này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.

Để tránh tình trạng dĩ hòa vi quý, bao che cán bộ, chúng tôi cũng sẽ áp dụng những phương pháp kiểm soát chất lượng và thời hạn hoàn thành công việc cho từng người, từng đơn vị một cách khách quan, công khai, cụ thể qua các chương trình tin học hóa, không phụ thuộc nhiều vào nhận xét của người phụ trách.

Và bên cạnh những giải pháp đánh giá lượng hóa cơ học sẽ kết hợp với những hình thức tuyên truyền, giáo dục, từ đó thúc đẩy được ý thức tự giác, động cơ công vụ công tâm, trong sáng, có tinh thần yêu ngành, yêu nghề, truyền thống đoàn kết và tự hào với công việc của mình.

Đây chính là mục tiêu chính, quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức đã và đang được hiện thực hóa tại Ngân hàng Nhà nước.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục