Phát triển thị trường tiêu dùng xanh: Bài 3 - Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường

14:28' - 29/06/2019
BNEWS Tại Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều hoạt động khuyến khích sự vào cuộc của doanh nghiệp và kêu gọi cộng đồng xã hội tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Ngoài ra, hỗ trợ người dân thực hiện quyền của người tiêu dùng - quyền ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp xanh, có lợi cho môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng.
Nâng cao nhận thức người dân
Qua 10 năm triển khai, Chiến dịch Tiêu dùng Xanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và những hoạt động khác nói chung, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận diện sản phẩm thân thiện môi trường và những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm xanh; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình khuyến khích xu hướng tiêu dùng “nói không với rác thải nhựa”, sử dụng những sản phẩm thay thế có thể tải sự dụng và thân thiện với môi trường.

Hoạt động đổi rác thải nhựa lấy rau sạch. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Những chương trình này, ngày càng thu hút sự tham gia của các bên, gồm: cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp… trong việc hỗ trợ người dân nhận diện rõ sản phẩm của doanh nghiệp chân chính, sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, thực hiện quyền của người tiêu dùng - quyền ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp xanh, có lợi cho môi trường cũng như sức khoẻ của cộng đồng người dân.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp cho biết, tiêu dùng sản phẩm xanh là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi các công ty phải chủ động đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững để hàng hóa được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo lối sống xanh, đã từng bước nâng cao bước nâng cao nhận thức, chất lượng sống của người dân. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh theo hướng hưởng ứng và tạo động lực cho doanh nghiệp xanh.
Thống kê tại thị trường Việt Nam, hiện nay đã có hơn 50% doanh nghiệp ngành nhựa tham gia sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường; hơn 20% doanh nghiệp được cấp giấy phép. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, để giải quyết bài toán giảm rác thải nhựa ra môi trường, cần sự tham gia của nhiều đơn vị và hưởng ứng của cộng đồng xã hội. Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, cần nhiều giải pháp như nguyên liệu sản xuất, phân loại đầu nguồn…
Còn ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, công ty không dừng lại ở hoạt động thu gom mà còn tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì thói quen phân loại rác. Hiện chương trình “Khu phố xanh” đã hỗ trợ người dân ở các tuyến đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và 9 lốc chung cư Tây Thạnh, quận Tân Phú thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao.
Công ty đang tiếp tục mở rộng hoạt động dự án khu phố xanh thêm 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Tân Phú và kế đến là quận Bình Tân. Đặc biệt, điểm mới chương trình là ngoài việc hỗ trợ hướng dẫn người dân thực đã hiện phân loại rác thải thành 3 loại (rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại). Cùng với , công ty cũng đưa vào ứng dụng phần mềm MGREEN (app mgreen) sử dụng trên điện thoại thông minh.
Xuất hiện nhiều sản phẩm thay thế
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đã xây dựng những chính sách khuyến mãi, chính sách bán hàng với giá ưu đãi kết hợp với bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh là hoạt động thiết thực hướng đến vận động cộng đồng hưởng ứng sử dụng sản phẩm xanh, góp phần khuyến khích doanh nghiệp tự giác chấp hành tốt Luật bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống người dân, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Trong 6 tháng năm 2019, Saigon Co.op đã công bố chiến dịch “quét sạch” ống hút nhựa ra khỏi hệ thống bán lẻ của mình để khởi động cho chiến dịch bảo vệ môi trường mới thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại trên cả nước.

Du khách xem các sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Không chỉ loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa trên quầy kệ trong khu tự chọn của các siêu thị, mà Saigon Co.op cũng chủ động loại bỏ các loại ống hút nhựa đính kèm cùng các sản phẩm hàng nhãn riêng. Nhà bán lẻ này, cũng có thông báo yêu cầu đơn vị kinh doanh, chủ gian hàng thuê mặt bằng trong khu tự doanh hạn chế tối đa sử dụng ống hút nhựa.
Hưởng ứng các chiến dịch tiêu dùng xanh, hoạt động khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai nhiều giải pháp kêu gọi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.
Đơn cử, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều nhà bán lẻ trên thị trường thành phố sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên để bao gói hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng; trong đó, có thể đến việc nhà bán lẻ khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, thùng giấy, túi môi trường, túi vải sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường khi mua sắm.
Còn những chuỗi cửa hàng ẩm thực, giới thiệu đến người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn từ các loại ống hút bằng inox, thép an toàn, thủy tinh dành cho cá nhân có thể sử dụng nhiều lần, cho đến việc thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy, ống hút gạo thân thiện với môi trường. Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, cũng xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh chấp nhận, tạo điều kiện hỗ trợ người tiêu dùng giảm thiểu sử dụng nhựa một lần.
Theo đó, khi mua nước tại nhiều chuỗi cửa hàng, người tiêu dùng có yêu cầu không sử dụng ly nhựa một lần và thay vào đó là đồ dùng đựng nước của cá nhân đều được phục vụ. Còn khách hàng tiêu dùng tại chỗ, đơn vị kinh doanh chủ trương không dùng nắp ly và đưa ra biển hiệu “cùng chung tay bảo vệ môi trường”.
Đối với mô hình kinh doanh hiện đại, tất cả nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến… đều phải tuân thủ quy định của thương hiệu. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo vệ cuộc sống lâu dài và môi trường, nhận thức và thói quen tiêu dùng tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thay đổi, chuyển hướng tích cực trong mua sắm, tiêu dùng sản phẩm thân thiện.

Với quan điểm này, cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang có xu hướng quay trở lại, cũng như ưu tiên sản phẩm tái sử dụng nhiều lần, bên cạnh tiết giảm xả thải rác ra môi trường.
Giáo sư Lưu Dzẩn, Thường trực Ban cháp hành Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam (VAFoST), giáo dục về mua sắm, tiêu dùng, nhất là thực phẩm rất cần thiết. Trong đó, đối tượng cần ưu tiên trước tiên trong giáo dục nâng cao nhận thức mua sắm, tiêu dùng là học sinh, sinh viên, bà nội trợ… vì đây là những đối tượng định hướng thị trường tiêu dùng tương lai. Ngoài ra, các chương trình, hoạt động giáo dục cần tập trung vào nội dung liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu dùng thân thiện, bảo vệ môi trường…/.
Bài cuối – Doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục