Phát triển thị trường tiêu dùng xanh: Bài 2 - Áp lực phân loại rác nông sản tại nguồn

14:27' - 29/06/2019
BNEWS Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối của Tp. Hồ Chí Minh đạt khoảng 240 tấn/ngày; trong đó gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ.
Tại các chợ đầu mối, lượng rác từ sơ chế nông sản mỗi ngày rất lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong thời gian qua, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai kế hoạch Thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ phục vụ hoạt động kinh doanh của ba chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng ba chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm.
Lượng rác lớn từ sơ chế nông sản
Với dân số hơn 10 triệu người, Tp. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ đặc biệt quan trọng của các tỉnh, thành khu vực phía Nam và cả nước. Nên muốn đảm bảo việc thu gom và phân phối hàng hóa lưu lượng lớn, với chủng loại đa dạng, mẫu mã phong phú, nhằm đủ sức đáp ứng nhu cầu cho thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước thì Tp. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến quy hoạch, quản lý, khai thác và vận hành các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn.
Trước bối cảnh lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về chợ đầu mối tại Tp. Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, nên lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu là từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói như các loại rau củ, quả bị héo úa, dập nát, hư hỏng… Điều này, vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa mang nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác cho thành phố.
Hiện tại, chi phí sơ chế tại ba chợ đầu mối cao hơn so với chi phí sơ chế tại nguồn và sự chênh lệch này sẽ được cộng dồn vào giá thành sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh tại chợ. Ngoài ra, với việc tỷ lệ hao hụt nông sản cao, người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản. Trong khi đó, lợi nhuận của người sản xuất đang bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển…
Hiện trạng hàng hóa chưa được sơ chế đang ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa… Điều này, vô tình làm khó người tiêu dùng trong nước và ngoài nước trong việc nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản đối với thị trường xuất khẩu.
Nhằm từng bước giải quyết vấn đề trên, từ nay đến năm 2020, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành bạn đang phân phối tại ba chợ đầu mối, góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào thành phố. Chương trình này, nhận được sự đồng thuận và tích cực phối hợp của Sở Công Thương các tỉnh, thành như Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… nên đã và đang triển khai thuận lợi.
Thống kê sơ bộ đến nay, các mặt hàng củ cải trắng, củ cải đỏ, cải sú, cải sậy, cải thảo… đã được sơ chế, đóng gói trước khi vào chợ đầu mối đầu mối nông sản Tp. Hồ Chí Minh. Dự kiến trong thời gian tới, việc hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào chợ đầu mối sẽ cơ bản hoàn thành; trong đó tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh định hướng tập trung hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp ba chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch khu vực phía Nam; trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh môi trường…
Giảm chi phí thu gom rác gặp khó

Theo báo cáo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hóa nhập ba chợ đầu mối bình quân hàng đêm đạt hơn 9.000 tấn/ngày đêm; trong đó lượng hàng nông sản chiếm 80%. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối đạt khoảng 240 tấn/ngày; trong đó gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ. Song song đó, Ban Quản lý ba chợ đầu mối hiện phải tốn chi phí hơn 8,5 tỷ đồng/năm cho việc thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA) cho hay, mỗi ngày rác thải thải ra chợ đầu mối nông sản Bình Điền là 100 tấn, trong đó 80% là rau củ quả. Theo tính toán, nếu vận chuyển về 1.000 tấn hàng hóa phải mất đi 100 tấn, tương đương 10%. Chi phí xử lý rác thải ở chợ Bình Điền mỗi năm mất hơn 6 tỷ đồng nên chủ trương tất cả hàng hóa nông sản đưa về ba chợ đầu mối Tp. Hồ Chí Minh phải được xử lý tại nguồn để giảm thiểu chi phí cho xã hội là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, góp phần giải quyết khó khăn cho thành phố.
Còn theo ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mặt bằng kinh doanh hiện không đủ đáp ứng lượng xe nhập chợ xuống hàng, thương  nhân không sơ chế trong ô vựa mà sơ chế trong lối đi nên rác ngập chợ. Thêm vào đó, rác từ các tỉnh, thành về chợ bình quân 80 tấn – 100 tấn/ngày, trong khi lượng công nhân quét dọn và thu gom rác có hạn chế.
Không dừng lại ở đó, việc thu gom, vận chế, sơ chế tại ba chợ đầu mối đang có những vấn đề lớn. Chính vì vậy, sơ chế tại nguồn rất lợi ích vì đã làm sạch, có bao bì, nguồn gốc, giảm chi phí vận chuyển…
Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh tốn chi phí xử lý rác rất lớn, trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ cho nông nghiệp. Nếu như việc sơ chế được khuyến khích thực hiện tại nguồn thì đối với nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây trồng. Còn với ba chợ đầu mối Tp. Hồ Chí Minh sẽ có tác dụng làm giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế.
Đồng thuận với chủ trương của Tp. Hồ Chí Minh, tuy nhiên đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đề xuất, cần thiết lập chế tài quản lý cho chợ để chuyển từ chợ đầu mối truyền thống sang chợ đầu mối an toàn thực phẩm. Đồng thời, có quy định rõ trách nhiệm giữa công ty quản lý chợ và các cơ sở kinh doanh trong chợ để thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính nếu có xảy ra hành vi vi phạm.
Còn theo đại diện tỉnh Long An, do điều kiện địa lý nên các mặt hàng nông sản của tỉnh Long An phần lớn tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm dụng cụ, trang thiết phục vụ việc sơ chế, đóng gói tại nguồn; nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái sản xuất, kinh doanh các loại rau ăn lá, khóm…
Mặc dù vậy, thách thức hiện nay là phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản ít bán hàng qua chợ đầu mối chủ yếu vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể… Còn đối với thương lái cung cấp hàng hóa nông sản tại ba chợ đầu mối phần lớn chưa có nhà sơ chế mua tại vườn, chở thẳng về chợ đầu mối nên gặp khó khăn khi thực hiện sơ chế tại nguồn./.
Bài 3 - Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường

>>> Nhặt rác thời 4.0 và ước mơ khởi nghiệp của 3 chàng sinh viên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục