Phát triển thị trường tiêu dùng xanh: Bài 1 - Rác thải nhựa “bủa vây” người tiêu dùng

14:18' - 29/06/2019
BNEWS Môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề không chỉ bởi các khu công nghiệp, khí thải, biến đổi khí hậu… mà còn từ chính những vật dụng mà con người đang sử dụng hàng ngày.

Vì thế, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng đến một lối sống xanh bằng việc sản xuất, tiêu dùng những sản phẩm thân thiện môi trường đang trở nên cấp thiết đối với thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, cơ quan quản lý đứng trước thách thức làm sao để tạo được sức lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện.
Bài 1 - Rác thải nhựa “bủa vây” người tiêu dùng

Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Theo thống kê, Việt Nam là một trong năm quốc gia có lượng nhựa thải ra cao nhất thế giới. Hiện nay, nhựa sử dụng một lần rất phổ biến tại Việt Nam, trong khi việc quản lý rác thải còn hạn chế. Chính vì vậy, tác động của rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng.
Nhựa tiện lợi được dùng phổ biến
Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, rác thải nhựa hiện diện khắp mọi nơi và len lỏi vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tại các chợ bán lẻ truyền thống hay kênh bán lẻ hiện đại, túi nilon là một sản phẩm không thể thiếu để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, mua sắm.
Theo chị Ái Vân, cư ngụ tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh, mỗi lần đi chợ, với một củ cà rốt hay vài cọng hành, tiểu thương cũng đều cho vào những túi nilon riêng. Nếu người tiêu dùng không ý thức đề nghị sử dụng chung một túi nilon cho nhiều món hàng, người bán vẫn cứ theo thói quen lạm dụng túi nilon trong bán buôn.
Tương tự, anh Văn Duyên, cư ngụ tại quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, rất dễ dàng nhận diện rác thải nhựa trong lối sống hiện đại, nhất là ở những khu vực tập trung đông dân cư như trường học, bến xe....

Đơn cử, nhiều cửa hàng ẩm thực, quán ăn, hàng rong… có xu hướng sử dụng ly nhựa do tính tiện lợi và giá thành rẻ của sản phẩm này. Thậm chí, đối với khách hàng tiêu dùng tại chỗ, nhiều đơn vị kinh doanh cũng sử dụng ly nhựa, vì tuân thủ quy trình của mô hình kinh doanh hiện đại hay quy định của thương hiệu chuỗi cửa hàng.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh túi nilon, thì ống hút nhựa cũng được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Bất cứ nơi đâu cũng có sự hiện diện của ống hút nhựa như khi mua một ly nước mía, trà đào… hay thậm chí gọi một ly trà đá, đơn vị kinh doanh vẫn có thói quen sử dụng ống hút nhựa. Điều này cho thấy, nhựa được sử dụng như một thứ không thể thiếu trong đời sống con người, nhưng không thể tự phân hủy sinh học một cách nhanh chóng, mà xả thải ra môi trường ngày càng nhiều.
Thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố có 1.800 tấn rác thải nhựa, chiếm tỷ lệ hơn 20%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi tái chế, chiếm khoảng 11% lượng rác thải nhựa.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, số lượng tiêu thụ túi nilon trong các hệ thống siêu thị đạt khoảng 25.000 tấn/tháng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, mỗi gia đình thải ra 5 - 6 túi nilon/ngày; trong đó, sản lượng túi nilon thân thiện môi trường chiếm 20%, khoảng 6.000 tấn/tháng. Đặc biệt, rác thải nhựa thải ra môi trường chiếm số lượng lớn là ống hút, vỏ bọc nắp trên sản phẩm đồ uống, thực phẩm…

Đồ nhựa dùng một lần. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Trên thực tế, người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm tiện lợi, nhưng các chủng loại sản phẩm này lại tác động vào môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rác thải nhựa đã và đang tràn lan khắp nơi, nhất là bắt nguồn từ thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp và người tiêu dùng là cùng với yết tố tiện lợi, cần tạo ra sự thay đổi để thân thiện và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, sự thay đổi cần được thúc đẩy dựa vào nền công nghệ và nâng cao nhận thức của chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng.
Ông BT Tee, Tổng giám đốc UBM VES cho biết, riêng ngành chế biến và đóng gói bao bì đang đối mặt với một số khó khăn, vì nhu cầu tiêu dùng vừa mang lại cơ hội vừa có thách thức cho quy trình sản xuất kinh doanh bền vững; trong đó, cùng với thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và mang lại lợi nhuận, việc lạm dụng nhựa trong quá trình sản xuất và thiếu sự định hướng về bảo vệ môi trường đang đặt ra bài toán khó cho doanh nghiệp ngành này.
Tỷ lệ tái chế thấp

Tính chung trên cả nước, chỉ 20% rác thải được tái chế, còn lại 80% là chôn lấp. Lượng rác thải nhựa lớn nhất ra môi trường là bao bì do nhà sản xuất giảm giá thành sản phẩm, nên giá trị quay vòng tái chế không có. Tương tự, một số nghiên cứu khảo sát về môi trường cho thấy, rác thải từ bao bì chiếm tỷ lệ rất lớn, nên khâu thiết kế và sử dụng các bao bì hiệu quả là yếu cầu cấp thiết trong việc góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Theo ông Tanachart Ralsiripong, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn BASF Vietnam, nhựa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm an toàn trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa đã tạo ra nhiều thách thức đối với việc đảm bảo sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia.

 Giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường dùng để đóng gói thực phẩm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Đối với Việt Nam, đây cũng là vấn đề chung của toàn xã hội và đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước. Nhựa là nguyên liệu không thể thiếu trong đời sống con người, từ vật dụng thiết yếu đến thiết bị cao cấp. Do đó, việc sử dụng nhựa như thế nào để hạn chế xả thải ra môi trường đòi hỏi ý thức của cộng đồng xã hội, chứ không riêng gì các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sản phẩm bao bì mỏng, nhẹ, thân thiện môi trường… đang được sử dụng phổ biến trong đời sống, muốn tạo sự khác biệt phải thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp, công nghệ và đòi hỏi nguồn lực tài chính cho đầu tư chuyển đổi mô hình mới. Bởi quy trình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường luôn đòi hỏi đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe, nhưng chi phí sản xuất cao, giá thành không cạnh tranh so với các sản phẩm đang kinh doanh phổ biến trên thị trường, nên gặp rào cản trong phân phối, tiêu thụ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống năm 2019 của khu vực châu Á nói riêng, thế giới nói chung đang tập trung đáp ứng những kỳ vọng của khách hàng. Doanh nghiệp chủ động đảm bảo phát triển sản phẩm và bao bì bền vững với một loạt sáng kiến, gồm: giảm chất thải thông qua các thành phần tái chế và tái chế sau tiêu dùng.
Nhiều công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn đã không ngừng cải thiện khả năng phân hủy sinh học, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian gần đây, sự nổi bật của hai công nghệ mới trong chế biến thực phẩm là lên men và sấy lạnh, thay cho các hình thức chế biến xưa cũ như chiên dầu đang tạo làn sóng mới trên thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng đang được định hướng tốt về bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Đơn cử, hệ sinh thái khởi nghiệp thực phẩm Thái Lan đang tạo ra nền tảng kết nối nguồn lực, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, để phát triển đổi mới sáng tạo thực phẩm. Ngoài ra, các hệ sinh thái này cũng là cầu nối giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo chinh phục người tiêu dùng toàn cầu bằng bao bì mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài 2 - Áp lực phân loại rác nông sản tại nguồn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục