Phát triển năng lượng bền vững và an toàn hồ đập thuỷ điện

20:29' - 19/12/2018
BNEWS Hội thảo Phát triển năng lượng bền vững và an toàn đập, hồ chứa thủy điện ở Việt Nam đã diễn ra chiều 19/12/2018 tại Hoà Bình.
Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien-Senamnoy tại Lào gây thiệt hại lớn về người và của.  Ảnh: TTXVN

Chiều 19/12, tại Hòa Bình, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) - Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo Phát triển năng lượng bền vững và an toàn đập, hồ chứa thủy điện ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào và Myanmar vào tháng 7 - 8/2018 đã thu hút sự quan tâm của dư luận vào vấn đề rủi ro an toàn đập.

Cùng với sự hội tụ của nhiều yếu tố mới, đây cũng là vấn đề khiến các quốc gia trong khu vực xem xét lại chiến lược phát triển năng lượng, đặc biệt là thủy điện của mình.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện có gần 7000 hồ đập nhưng chỉ có các hồ đập quy mô lớn đảm bảo sự an toàn nhất định, phần lớn các hồ đập quy mô nhỏ có mức độ an toàn rất thấp.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu đề xuất, tham vấn các giải pháp an toàn cho hồ đập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lượng điện trong thời gian tới có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng tại Việt Nam, đây cũng là nội dung quan trọng để các đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn năng lượng điện tại Việt Nam một cách phù hợp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2016, Việt Nam có 6.886 hồ chứa nước bao gồm 238 hồ thủy điện và 6.648 hồ thủy lợi.

Trong đó, khoảng 1.200 đập, hồ chứa đang ở tình trạng hư hỏng và xuống cấp.

Dù chiếm số lượng ít hơn các hồ thủy lợi, các hồ chứa thủy điện lại có dung tích chứa lên đến 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước.

Mỗi hồ chứa thủy điện với dung tích từ hàng triệu đến hàng tỷ m3 nước, nếu xảy ra sự cố đập sẽ là thảm họa không thể lường hết, đặc biệt đối với vùng hạ du.

Bên cạnh đó, dù được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, các đập và hồ chứa là những công trình nhân tạo, theo thời gian và chịu ảnh hưởng từ những biến động thiên nhiên, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu với các đợt mưa lớn gia tăng hiện nay.

Do đó, cần phải hết sức quan tâm và kiểm soát vấn đề an toàn đập, hồ chứa thủy điện từ khâu thiết kế, thi công và vận hành như đã được nêu trong Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Mặt khác, cũng cần xem xét lại các dự án thủy điện để tránh những dự án có nhiều rủi ro và thay thế chúng bằng các dự án năng lượng tái tạo khác ngoài thủy điện với ít tác động hơn tới môi trường – xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng.

Quy hoạch tổng thể chiến lược nước – năng lượng trên quy mô hệ thống sẽ hỗ trợ việc này.

Ông Jake Brunner, quyền Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam cho biết: Thái Lan hiện đang điều chỉnh lại quy hoạch phát triển điện và có những dấu hiệu cho thấy họ sẽ loại bỏ dần những dự án đầu tư vào thủy điện quy mô lớn tại Lào.

Nếu Thái Lan quyết định ngừng hoặc giảm đáng kể việc đầu tư vào thủy điện của Lào, Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường xuất khẩu mới, chủ yếu và duy nhất của thủy điện Lào.

Đây chính là lợi thế mà Việt Nam cần nắm bắt trong các đàm phán năng lượng với Lào để có các thỏa thuận mua bán điện vừa đáp ứng nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 của mình vừa giúp giảm thiểu các rủi ro về môi trường, chính trị và kinh tế từ các dự án đập thủy điện gây hại cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam nên tăng đáng kể việc đầu tư vào năng lượng tái tạo ngoài thủy điện tại Lào và Campuchia để có thể tận dụng năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời, turbine gió và năng lực truyền tải đang càng ngày càng được cải thiện của Việt Nam và từ đó thúc đẩy việc thương mại mua bán điện trong toàn khu vực.

Điều này cho phép Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và từ đó đóng góp vào các cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về các đề xuất của Trung tâm nghiên cứu Stimson và IUCN, trong khuôn khổ chương trình “Kết nối Mekong” về chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa Lào - Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Mekong để thúc đẩy thực hiện quy hoạch tổng thể nước - năng lượng.

Hội thảo diễn ra đến ngày 20/12./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục