Phát triển kinh tế số để cạnh tranh toàn cầu

11:19' - 29/01/2019
BNEWS Có được nền kinh tế số mạnh mẽ chính là cách thức giúp Việt Nam tiến tới cạnh tranh toàn cầu; đồng thời, khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có.
 
Phát triển kinh tế số để cạnh tranh toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo của AlphaBeta (một trong những doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ tham mưu chiến lược kinh tế cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ), nhiều nước châu Á Thái Bình Dương đang được hưởng lợi từ việc đẩy nhanh tốc độ số hóa nền kinh tế, qua đó giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy tiến trình tăng trưởng. Việt Nam cũng không ngoại lệ!

Có được nền kinh tế số mạnh mẽ chính là cách thức giúp Việt Nam tiến tới cạnh tranh toàn cầu; đồng thời, khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giám đốc Đối ngoại của AlphaBeta nhấn mạnh.
Quả thực trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và các điều kiện thuận lợi để toàn xã hội nói chung; trong đó, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận, làm quen, ứng dụng và phát triển các tiện ích về công nghệ số hóa.
Từ việc sử dụng điện thoại di dộng, kết nối cộng đồng bằng mạng xã hội hay sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng viễn thông 3G, 4G hay 5G đến các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… đang khiến cuộc sống người dân trở nên văn minh, hiện đại và dần bắt kịp với xu hướng phát triển của toàn thế giới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, Chính phủ cần đi đầu trong nền kinh tế số, hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả. Đây là yêu cầu quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc cách mạng này.
Báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đã chỉ ra rằng chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực châu Á Thái Bình Dương…

“Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống”, ông Lộc khẳng định.
Tuy nhiên, xét riêng trong lĩnh vực kinh tế, nhiều chuyên gia nghiên cứu đang “nóng lòng” trông đợi những động thái mạnh mẽ hơn từ các cơ quan hoạch định chính sách trong việc tạo thuận lợi hơn nữa để phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ cùng nhiều tiện ích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại các hội nghị, hội thảo bàn về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng nhiều lần khẳng định, trong thời đại của công nghệ số hóa và kỷ nguyên kinh tế số đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.

Chỉ có tận dụng cơ hội mới vượt qua thách thức. Chỉ có chủ động áp dụng nó để xây dựng môi trường kinh doanh đón đầu thì mới vượt qua thách thức.
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện còn có 4 chỉ số chưa cải thiện trong suốt 4 năm qua. Đơn cử như: khởi sự kinh doanh, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp...

Một nền kinh tế thị trường hiện đại không thể không có giải quyết tranh chấp hiệu quả, hợp lý, đáng tin cậy. Kết quả về cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng nhiều nơi “bỏ 1 tăng 10”. Nói nhiều tới thời đại công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kinh tế số nhưng rõ ràng tư duy về pháp luật và cách thức quản lý của Việt Nam vẫn bị kìm hãm và không thay đổi, ông Cung nhấn mạnh. Đó là điều cần phải thay đổi, cần phải thúc đẩy để cải cách một cách triệt để.
Là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp “startup” trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam, ông Trần Thành Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, bày tỏ quan điểm, tương lai phát triển công nghệ và các tiện ích thanh toán trực tuyến tại Việt Nam là rất lớn, nhất là khi phần đông dân chúng đều đã dùng điện thoại thông minh và đang dần tiến hành mọi thanh toán qua phương tiện này.
Tuy nhiên, lại chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm sử dụng các tiện ích hay dịch vụ tài chính mới thay vì chỉ chú tâm tới bất động sản và các chuỗi nhà hàng đồng thương hiệu. Những fintech (công nghệ tài chính) như Moca hiện mới chỉ thu hút chủ yếu là các đơn vị nước ngoài. Phải chăng, có điều gì khiến doanh nghiệp trong nước còn ngần ngại? ông Nam băn khoăn đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định Việt Nam có nhiều thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện được chia thành 4 nhóm, bao gồm: các doanh nghiệp dẫn dắt, đi đầu như các tập đoàn lớn (của Nhà nước và tư nhân); nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 95%), nhóm các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển dựa trên các kết quả nghiên cứu và nhóm các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để có thể tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nói riêng cũng như để thúc đẩy và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo ở từng nhóm doanh nghiệp, Bộ Khoa học và công nghệ đều có các chính sách khác nhau dành cho mỗi nhóm.
Ưu tiên như nhóm các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất để phát triển và có sức cạnh tranh với thế giới, Bộ Khoa học và công nghệ đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ; hỗ trợ các nhiệm vụ giúp họ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và phát triển hoàn thiện công nghệ, từ đó ứng dụng vào sản xuất và đời sống…
Tiến tới một nền kinh tế số, không chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ mà rất nhiều bộ, ngành khác cũng đang tích cực triển khai ứng dụng các thành tựu công nghệ nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, ông Duy bày tỏ tin tưởng.
Có thể thấy rằng, tiến tới 1 nền kinh tế số hoàn chỉnh, bên cạnh việc kiến tạo Chính phủ điện tử; trong đó, với sự nỗ lực của các bộ ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới điều kiện kinh doanh thì chính các doanh nghiệp cũng cần đồng hành và phải biết tận dụng mọi cơ chế và phương tiện nhằm thuận lợi hóa hoạt động thương mại.
Cụ thể như nắm vững cách thức tiến hành kê khai hải quan theo cơ chế Hải quan một cửa hay biết đăng ký kinh doanh và nhận thông tin trực tuyến; kê khai và quyết toán thuế, bảo hiểm qua Internet; sử dụng hóa đơn điện tử… Đó chính là cách thức để dẫn dắt doanh nghiệp từng bước tiến tới và và thử sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục