Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã vùng Tây Bắc

08:57' - 07/09/2018
BNEWS Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế đa dạng, có hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị ở trong nước và khu vực.
Ngày 6/9/2018, tại Sơn La, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La và Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn vùng Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp". Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Ngày 6/9, tại Sơn La, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Sơn La và Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn vùng Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) luôn có một vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước và trong đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Điều này đã được khẳng định trong các Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; được cụ thể hóa tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Nghị quyết của Quốc hội liên quan.
Từ sự quan tâm đó, đến nay, cả nước đã có 21.212 hợp tác xã, 94.270 tổ hợp tác và 61 liên hiệp hợp tác xã với 6,6 triệu thành viên và gần 27 triệu người lao động tham gia; tổng tài sản trên 80.000 tỷ đồng và có 45,3% số HTX hoạt động có hiệu quả.

Điều này, chứng tỏ sức sống của kinh tế hợp tác, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và khẳng định vai trò của khu vực này trong nền kinh tế.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cùng với cả nước, kinh tế hợp tác, HTX ở vùng Tây Bắc có những bước phát triển khá tích cực, toàn diện trên các mặt; thậm chí có mặt nổi trội và cao hơn một số vùng khác.

Đến nay, toàn vùng đã có 2.462 HTX với 272.000 thành viên, vốn góp đạt 1.500 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân người lao động gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đây là một kết quả ban đầu khá tốt, góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi Tây Bắc, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo một các bền vững nhất.

Tuy nhiên, kinh tế hợp tác, HTX, trong thời gian qua vẫn còn những thách thức, khó khăn, hạn chế, thậm trí yếu kém, tụt hậu, nhất là ở các tỉnh vùng Tây Bắc.
Hội thảo đã tập trung trao đổi, chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn vùng Tây Bắc. Theo các ý kiến, vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế đa dạng, có hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị ở trong nước và khu vực.
Nổi bật, vùng Tây Bắc chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, có quỹ đất đai rất lớn cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc có nhiều khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế như: Địa hình phức tạp, núi cao chia cắt và hiểm trở, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Nhiều tỉnh ở xa các trung tâm kinh tế và thị trường lớn trong nước, nước ngoài, nhiều rủi ro thiên tai, lũ lụt, dẫn đến chi phí đầu tư, đầu vào và giá thành sản phẩm ở mức cao, hạn chế khả năng cạnh tranh. Việc kêu gọi và huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đến đầu tư và liên kết chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, mỗi tỉnh vùng Tây Bắc có bình quân 352 HTX. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên, việc chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đạt kết quả cao.

Cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, HTX, chú trọng tổ chức sản xuất, khuyến khích liên kết, hình thành các hợp tác xã. Liên minh hợp tác xã các tỉnh chủ động tư vấn, hỗ trợ, củng cố, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất chia sẻ, thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho việc thành lập, tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX.

Tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác để chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng, làm ăn thật sự có hiệu quả.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 514 HTX và 4 Liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đã hình thành 57 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định; 11 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình HTX, liên hiệp HTX có hiệu quả để nhân rộng. Tỉnh tập trung hỗ trợ khâu tiêu thụ; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao; liên kết thành chuỗi xuất khẩu nông sản thực phẩm hữu cơ. Sơn La tập trung phát triển các HTX ở các xã đã và sắp đạt chuẩn nông thôn mới… - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại về phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn vùng Tây Bắc như: Nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, chậm tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh.

Đa số các hợp tác xã chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Phần lớn sản phẩm của HTX chưa có nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, phụ thuộc vào thương lái…
Để phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên địa bàn vùng Tây Bắc, theo các ý kiến và tham luận, cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về pháp luật HTX cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình.

Đẩy mạnh xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản đặc sản theo hướng kết hợp giữa phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tạo thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đồng thời, tạo dựng vai trò trung gian của các HTX nông nghiệp trong việc thúc đẩy nông dân hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát triển du lịch trên địa bàn.

Cùng với đó, các tỉnh vùng Tây Bắc cần thực hiện tốt tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch quỹ đất nông nghiệp, qua đó khắc phục tình trạng quy trình sản xuất hàng nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục