Phát triển kinh tế biển tại Huế - Bài 2: Khôi phục thế mạnh sinh thái và thủy sản

14:28' - 04/09/2016
BNEWS Phương hướng phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế là tập trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gắn với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp...
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Để nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý biển và đầm phá, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kế hoạch trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Đáng chú ý, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và đề án “Quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững ven biển Thừa Thiên - Huế đến năm 2025".
Khôi phục thế mạnh sinh thái, thủy sản

Phương hướng phát triển kinh tế trong vùng của Thừa Thiên Huế là tập trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gắn với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp... Lĩnh vực thủy sản đã có bước phát triển mạnh, với diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 5.785ha; sản lượng đạt 10.740 tấn, tăng 30,8% so với trước. Kinh tế biển được đầu tư đúng hướng, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.635 chiếc tàu khai thác thủy sản trên biển; trong đó 226 chiếc tàu công suất từ 90-350CV. Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt sản lượng khai thác gần 32.500 tấn, tăng bình quân gần 20%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 16 triệu USD, tăng 2,1 lần. Các địa phương vùng ven biển thành lập được 330 cơ sở chế biến nước mắm và các loại thủy sản khô, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm; 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô.

Điều quan trọng là ngành thủy sản đã tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy sự ổn định và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ở vùng đầm phá, ven biển.
Để khai thác thế mạnh của lĩnh vực này, tỉnh đầu tư tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng du lịch-thủy sản-tiểu thủ công nghiệp-nông nghiệp sinh thái. Từ nay đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm.

Ngành thủy sản tập trung phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mới có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người dân ven biển và đầm phá.

Trong vùng có 52 xã thuộc 5 huyện ven biển của tỉnh, được chia thành 11 vùng theo 4 nhóm chính: Nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi; nhóm vùng đệm, sử dụng với cường độ thấp; nhóm vùng phát triển và nhóm vùng dự trữ. Đối với nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi được đề xuất 4 vùng bảo tồn, các vùng bảo vệ thủy sản và vùng phục hồi sinh cảnh… Vùng phục hồi sinh cảnh kết hợp du lịch sinh thái được đề xuất là vùng rừng ngập mặn Rú Chá (Hương Phong, thị xã Hương Trà) có diện tích khoảng 50 đến 100 ha bao gồm cả mặt nước. Đây hiện được xem là nơi trồng cây ngập mặn thành công nhất tại Thừa Thiên - Huế.

Phó Chủ tịch thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, Thị xã Hương Trà đã quy hoạch và định hướng phát triển 300 ha rừng ngập mặn; trong đó riêng xã Hương Phong bước đầu là 70 ha. Ở đây, người dân đóng vai trò chính trong việc lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Rú Chá và Cồn Tè.
Trong mấy năm qua, việc trồng rừng ngập mặn tại Thừa Thiên - Huế đã được xúc tiến thông qua một số đề tài, dự án như: Đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn vốn ngân sách tỉnh "Nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm trồng cây ngập mặn ở phía Tây đầm Lập An huyện Phú Lộc và Tân Mỹ huyện Phú Vang" do Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh chủ trì thực hiện trồng được 5.000 cây đước, bần chua, vẹt khang và mắm.

Dự án "Tăng cường rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế" do Tổ chức WWF Việt Nam tài trợ; dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế do Tổng cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan tài trợ từng bước mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn. Nhiều khu rừng đã trở thành những bức bình phong vững chãi chắn gió, sóng biển bảo vệ an toàn cho các khu dân cư, công trình hạ tầng, ao nuôi thủy sản ven biển.
Nhóm vùng phát triển được đề xuất gồm vùng phát triển kinh tế tổng hợp Chân Mây; vùng phát triển du lịch Cảnh Dương - Lăng Cô - Chân Mây, Đông Dương Hàm Rồng thuộc 2 xã Vinh Hiền và Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), Hồ Truồi - Nhị Hồ - Suối Voi và vùng du lịch sinh thái cao cấp đầm Cầu Hai- cửa Tư Hiền; vùng phát triển cảng biển Thuận An, Chân Mây; vùng đánh bắt ven bờ nằm trong phạm vi đới bờ đề xuất lập kế hoạch phân vùng này, ngoại trừ các vùng nước đề xuất sử dụng cho hoạt động cảng, du lịch và bảo tồn.

Đối với nhóm này, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung vào bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên, làm tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo an ninh, chính trị và an toàn xã hội.

Các ngành chức năng cũng đã xây dựng và đề xuất xúc tiến đầu tư một số dự án, như: xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo, đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế; điều tra, khảo sát, tổng hợp và đánh giá thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, vùng ven biển của tỉnh, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp hiệu quả; phân vùng sử dụng tổng hợp, phục vụ, bảo vệ và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện quản lý tổng hợp phát triển bền vững dãi cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế…

Quảng bá thương hiệu biển
Để bảo vệ và phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của một địa phương có biển, tỉnh còn đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Thừa Thiên - Huế với các nhóm thương hiệu từ các sản vật tự nhiên hoặc sản phẩm thủ công truyền thống gắn với biển, đảo và đầm phá.

Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng có thái độ ứng xử tích cực, thân thiện với biển, đảo, đầm phá, các cấp, ngành, địa phương ven biển cũng đang tập trung ưu tiên khai thác, phát triển theo hướng chia sẻ, gìn giữ và bảo vệ. Trong thời gian vừa qua, tại Thừa Thiên - Huế đã thành lập được 23 khu Bảo vệ thủy sản với hơn 614,2 ha ( chiếm 2,8%) mặt nước vùng đầm phá Tam Giang và giao cho các Chi hội nghề cá cơ sở trực tiếp quản lý.

Kết quả từ bảo tồn nguồn lợi được cộng đồng áp dụng, các hành vi xâm hại vùng cấm khai thác được duy trì giám sát và ngăn chặn xua đuổi kịp thời, môi trường và nguồn lợi trong và ngoài khu bảo vệ thuỷ sản tăng lên, ngư dân khai thác có hiệu quả hơn; ý thức của cộng đồng ngày được nâng cao, công tác quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày càng có hiệu quả tích cực.
Tại các khu bảo vệ thủy sản sau khi được thành lập, các địa phương đã tổ chức khoanh vùng bảo vệ, trồng được hàng vạn cây tra; thả 12.400 con tôm sú giống, 14.860 con cá dìa giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả 50 rạn nhân tạo bằng chất liệu cứng, tạo sinh cảnh, nơi cư trú của các loài thủy sinh vật.

Tại khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát xã Điền Hải (huyện Quảng Điền), chỉ sau một thời gian ngắn, trữ lượng rong mái chèo, rong cỏ ngựa phát triển gấp đôi; các loài thủy sản như rạm, lươn, cua giống khai thác được nhiều lần so với trước. Có những thời điểm bà con ngư dân khai thác được 3 tấn cá dìa giống.

Tại Khu bảo vệ thủy sản đập Tây-Chùa Ma xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc), trữ lượng rau câu phát triển tốt, ngư dân khai thác được khoảng 25.000 con cá dìa. Tại các vùng ngư trường xung quanh nơi có thành lập khu bảo vệ thủy sản, ngư dân khai thác được nhiều cua giống và rau câu.

Đặc biệt, sau khi có hệ thống các khu bảo vệ thủy sản, nguồn cá dìa giống và cá dìa thịt phát tán ra bên ngoài, ngư dân khai thác bán thu được trị giá 5 tỷ đồng. Tại khu bảo vệ thuỷ sản Hà Giang, xã Vinh Hà (huyện Phú Vang), Chi hội Nghề cá Hà Giang, xã Vinh Hà được giao trực tiếp quản lý, bảo vệ và ngăn chặn các hành vi trái pháp luật gây hại đến khu bảo vệ; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý các hành vi, vi phạm, gây hại đến khu bảo vệ thủy sản.
Đánh giá về tác động của môi trường sau khi có các chương trình trồng rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản từ cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định: Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) có hơn 300.000 người dân, chiếm gần 30% dân số tỉnh Thừa Thiên - Huế sinh sống dựa vào nguồn lợi của vùng nước này.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và lối đánh bắt tự nhiên của người dân trong vùng đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; số lượng các loài thủy sản trên đầm phá giảm đáng kể, nhiều loài có giá trị kinh tế đang dần biến mất. Sau khi hình thành các dự án trồng rừng ngập mặn, đồng thời với việc thành lập các khu bảo vệ thủy sản, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ngày một tốt hơn.
Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế, phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, góp phần nâng cao ý thức trong hoạt động khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường biển, đảo. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về biển, đảo, đầm phá; huy động tối đa sự phối hợp thống nhất của đa ngành; đồng thời phải tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên môi trường đạt được kết quả.../.
Xem thêm:

>> Phát triển kinh tế biển tại Huế- Bài 1: Hiệu quả từ kết nối giao thông vùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục