Phát triển điện mặt trời áp mái: Cùng chia sẻ lợi ích

08:13' - 06/04/2019
BNEWS Phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giảm áp lực cho ngành điện, đồng thời giảm chi phí tiền điện cho chính người dân.

Phát triển điện mặt trời là hướng đi của các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngành điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các dự án năng lượng sạch; trong đó có điện mặt trời trên mái nhà (hay còn gọi là điện mặt trời áp mái) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực đầu tư cho ngành điện.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 16) để khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời tại địa phương.
Và ngành điện, trước hết là các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi tiên phong với việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại tất cả các trụ sở của ngành điện.

Một mô hình điện mặt trời đã được đầu tư. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Giai đoạn 1, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đưa vào vận hành 7 công trình điện mặt trời trên mái nhà tại các nhà điều hành sản xuất của các Công ty Điện lực như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Phú Yên và trụ sở Tổng công ty với tổng công suất 352 kWp.

Sang giai đoạn 2, ngay trong quý 1 vừa qua, đã có 115 điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các Điện lực thuộc các Công ty Điện lực và các Xí nghiệp dịch vụ thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung với tổng công suất 3.230 kWp.
Đến giai đoạn 3, Tổng công ty sẽ lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà ở nhà điều khiển của các trạm biến áp (TBA) 110kV và nhà điều hành sản xuất một số đơn vị sau khi cải tạo với 91 điểm lắp đặt, tổng công suất 3.550 kWp, tổng số vốn đầu tư 99,4 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong quý 2 này.

Ngoài ra, Tổng công ty còn vận động khách hàng lắp đặt và đưa vào sử dụng điện mặt trời trên mái nhà đạt công suất 40 MWp.
Với mục tiêu phát triển điện mặt trời trên mái nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt công suất tối thiểu 1 MWp trong năm nay, Công ty Điện lực Quảng Trị đang tập trung tuyên truyền chính sách của Nhà nước và lợi ích của việc lắp đặt điện mặt trời áp mái; đồng thời tư vấn miễn phí và vận động khách hàng hưởng ứng tham gia phát triển nguồn điện năng này.

Công ty cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà đấu lưới theo hướng dẫn tại Thông tư số 16 của Bộ Công Thương và các văn bản hướng dẫn thực hiện đấu nối lưới điện mặt trời của EVN, EVNCPC. Phó Giám đốc Công ty Phan Văn Vĩnh cho biết.
Trung tâm Nuôi dạy trẻ em đường phố thành phố Đông Hà hiện đang nuôi 22 em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là một trong những đơn vị được Công ty Điện lực Quảng Trị triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trong Chương trình Tri ân khách hàng ngành điện từ tháng 12/2018, với vốn đầu tư 120 triệu đồng, công suất 4,32 kWp, sản lượng điện bình quân 18 kWh/ngày.

Hợp đồng điện mặt trời trên mái nhà được nối lưới theo Chương trình tri ân khách hàng của EVNCPC.
Ông Ngô Quang Mành, Giám đốc Trung tâm cho biết, nếu trước kia bình quân mỗi tháng Trung tâm phải chi trả tiền điện từ 1,8-2 triệu đồng thì 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm không phải trả một đồng tiền điện nào. Điện dùng từ hệ thống này được Trung tâm sử dụng cho sinh hoạt và nấu ăn.
Năm nay, trong kế hoạch phát triển điện mặt trời của Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) sẽ triển khai đầu tư nguồn điện mặt trời tại Côn Đảo và Phú Quý; Hoàn thành lắp đặt 13 MWp công suất điện mặt trời áp mái tại các đơn vị Điện lực và trạm biến áp trước ngày 30/6/2019 và hoàn thành chỉ tiêu lắp đặt 95 MWp điện mặt trời trên mái nhà của khách hàng đến cuối năm 2019.
Mục tiêu của EVNSPC là đạt 100% cơ sở Điện lực có lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và vận động khách hàng lắp đặt tối thiểu 95 MWp công suất nguồn điện này trong năm 2019.

PC Quảng Trị đầu tư dự án điện mặt trời cho Trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố thành phố Đông Hà. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho hay, để thực hiện được mục tiêu này, trước tháng 7 năm nay, Tổng công ty sẽ phấn đấu hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 13 MWp tại các cơ sở Điện lực theo chỉ đạo của EVN.

Bên cạnh đó, lập kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại 100% cơ sở Điện lực thuộc EVNSPC.
Cụ thể, các Công ty Điện lực tổ chức đấu thầu mua sắm và lựa chọn đơn vị thi công lắp đặt; Triển khai hình thức thuê đơn vị ngoài cung cấp theo mô hình dịch vụ ESCO (đấu thầu chọn nhà cung cấp dịch vụ trọn gói, trả tiền theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên); Thu xếp vốn thông qua các ngân hàng để triển khai đối với các địa điểm tính toán hiệu quả đầu tư cao.
Cùng với việc hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại Côn Đảo (công suất 3 MWp) và tại Phú Quý (1 MWp) trong giai đoạn 2019-2020, có tính toán hệ thống phối hợp các nguồn điện tại chỗ; Tổng công ty cũng vận động khách hàng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà qua việc hoàn thiện hướng dẫn qui trình, thủ tục để khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái như: đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều, hợp đồng mua bán điện, thanh toán.

Một toàn nhà ở Quận 5 (Tp Hồ Chí Minh) sử dụng điện mặt trời áp mái. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Các Công ty Điện lực không chỉ tuyên truyền, tư vấn khách hàng lắp đặt, sử dụng điện mặt trời trên mái nhà mà còn khảo sát đánh giá về nhu cầu lắp đặt hệ thống điện năng này để tổng hợp tiềm năng; tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu cung cấp, lắp đặt đảm bảo các tiêu chí cơ bản như năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và giá/kWp thấp nhất.
Tổng công ty và các Công ty Điện lực thỏa thuận với các nhà thầu cung cấp, lắp đặt cam kết cung cấp, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá thấp hơn thị trường tối thiểu 20%; đồng thời thông báo danh sách các nhà cung cấp, lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tới khách hàng.

Mặt khác còn xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông quảng bá mặt trời áp mái trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng biết lựa chọn nhà cung cấp, lắp đặt.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ Trần Vĩ Đức cho biết, thực hiện chỉ đạo của EVNSPC về việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, năm nay công ty được giao kế hoạch phát triển điện mặt trời trên mái nhà với công suất 4,5 MWp.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 80 khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 1 MWp; trong đó chủ yếu là các hộ gia đình.

Các khách hàng này đã được các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận.
Mới đây, Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 05/2019 TT-BCT vào ngày 11/3/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Do vậy, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai theo hướng dẫn của EVN, tổ chức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng có công trình điện mặt trời theo hướng dẫn mới.
Về phía Công ty Điện lực An Giang, Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Đông Hồ cho biết, trên địa bàn tỉnh An Giang, việc phát triển điện mặt trời áp mái chủ yếu là các hộ dân.

Năm nay, EVNSPC giao kế hoạch phát triển điện mặt trời áp mái cho công ty với công suất 3.350 kWp. Đến tháng 3 vừa qua, Công ty Điện lực An Giang đã phát triển được 36 khách hàng lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái, tương đương 521,88 kWp.

Trong đó, các nhà cung cấp thiết bị có hỗ trợ giảm chi phí khoảng 10-20% cho hộ dân, trung bình mỗi hộ được giảm chi phí khoảng 18-19 triệu đồng khi lắp đặt hệ thống năng lượng này.
Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Đông Hồ là do Công ty Điện lực An Giang đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà nhằm phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch.

Bên cạnh đó, công ty phát tài liệu tuyên truyền đến các khách hàng tiềm năng có cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái như cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình...; tuyên truyền tại phòng giao dịch khách hàng đến từng khách hàng khi đăng ký mua điện mới.
Công ty Điện lực An Giang còn kết hợp tuyên truyền với các sự kiện như: Hoạt động trong hội nghị khách hàng, Chương trình Tháng “Tri ân khách hàng”; sự kiện tổng kết các chương trình phối hợp với các đoàn thể/hội tại địa phương như Chương trình Gia đình Tiết kiệm điện; Chương trình Tiết kiệm điện trong trường học, tuyên truyền lồng ghép với nội dung tuyên truyền sử dụng điện …. Đồng thời tổng hợp thông tin chi tiết chính sách khuyến mãi của các nhà cung cấp đến khách hàng để lựa chọn chính sách hỗ trợ phù hợp.
Việc khuyến khích các hộ gia đình đầu tư pin năng lượng mặt trời trên mái nhà trước tiên là để đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tại gia đình.

Ngay tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) việc cung ứng điện bởi nguồn điêden và điện mặt trời tại chỗ, Điện lực Côn Đảo cũng đang vận động khách hàng và nhà đầu tư đầu tư điện mặt trời áp mái.

Hiện nay đã có khách hàng sử dụng điện sinh hoạt áp dụng mô hình này, với công suất 5 kWp, tổng mức đầu tư gần 150 triệu đồng, sử dụng hoàn tòan điện cho sinh hoạt ban ngày.
Mới đây, ngày 3/4, EVNSPC đã có văn bản yêu cầu các Công ty Điện lực thành viên, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Nam và Trung tâm Chăm sóc khách hàng thực hiện mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Theo đó, Tổng Công ty đã uỷ quyền cho Công ty Điện lực được ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục