Phát triển bền vững ngành hồ tiêu - Bài 3: Giá tiêu lao dốc, nông dân lao đao

16:23' - 09/05/2018
BNEWS Câu chuyện diện tích hồ tiêu liên tục mở rộng không được kiểm soát cũng đã để lại những hệ luỵ nghiêm trọng.

Sau vài ba năm đầu tư, đến thời điểm này “nguồn cung đã vượt quá cầu” khiến cho giá tiêu bắt đầu “tụt dốc” không phanh, giảm tới 50%, thậm chí giảm tới 1/3 so với lúc cao điểm. Thực tế trên đã khiến cho không ít nông dân vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
Giám đốc Sở Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc đánh giá, người nông dân trồng hồ tiêu hiện không chỉ lo mất mùa mà vụ thu hoạch tiêu năm nay còn phải đối mặt với nỗi lo giá tiêu "lao dốc" chưa có dấu hiệu hồi phục.

Người dân ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyên Bù Đốp (Bình Phước) phơi hạt tiêu sau thu hoạch. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Giá thu mua có thời điểm từ 53.000 đến 60.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với thời điểm năm 2016 và dự báo chưa có tín hiệu phục hồi năm 2018.
Ghi nhận thị trường giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, nhà nông chỉ bán được giá 59.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm 2017, hồ tiêu có giá 80.000 - 84.000 đồng/kg và năm 2016 là từ 180.000-190.000 đồng/kg.

Theo phản ánh của người trồng tiêu, đây là mức giá thấp chưa từng có trong 6 năm trở lại đây. Nỗi lo giá thấp càng tăng lên khi đến thời điểm hiện tại, tháng 5/2018, các nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn khu vực Đông Nam bộ đã hoàn tất việc thu hoạch tiêu niên vụ 2017-2018.
Chỉ vào kho tiêu với hàng chục bao tiêu khô chất đống, bà Nguyễn Thị Mơ, ấp Nông Trường, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, vụ tiêu vừa qua, với 1,2 ha gia đình bà thu về được 2,6 tấn.

Vào đầu mùa thu hoạch, giá thu mua của các đại lý chỉ có 64.000 đồng/kg, thấy giá quá thấp bà không bán ngay mà phơi khô, quạt sạch cất trữ trong kho chờ giá lên cao thêm nữa thì bán. Không ngờ, giá không tăng mà ngày càng rớt xuống thấp khiến gia đình bà Mơ trở tay không kịp.
Trong khi đó, “tiền thuốc trừ sâu, phân bón, lãi suất ngân hàng… chi phí cho vụ tiêu vừa qua gia đình hiện vẫn chưa trả hết”, bà Mơ nói.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hường ở ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có 4 ha hồ tiêu. Thời kỳ tiêu được giá (giai đoạn 2013 – 2015), mỗi năm, một héc ta tiêu ông Hường thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Từ giữa năm 2016 đến nay, loại nông sản này liên tục rớt giá, lợi nhuận ông Hường thu được giảm dần. Với mức giá như hiện nay, ông không có lãi.
Ông Nguyễn Xuân Hường chia sẻ, hơn 1 năm qua, giá tiêu dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg. Giá không cao, song người trồng vẫn có lãi. Từ khi bước vào vụ thu hoạch tiêu 2017 – 2018, giá rớt thê thảm.

Trồng hồ tiêu chi phí rất lớn, nếu giá chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nông dân không có lãi. Với những hộ vay mượn ngân hàng để trồng tiêu, mức giá này khiến họ bị lỗ”.
Tại các vùng trồng tiêu lớn ở Đồng Nai như huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, thị xã Long Khánh… hồ tiêu vẫn được thương lái thu mua với giá như trên. Do giá thấp, nhiều hộ chọn cách cất giữ hồ tiêu, chờ giá lên mới bán.

Ngoài ra, năm vừa qua, khí hậu thay đổi, thời tiết mưa nhiều, đặc biệt mưa kéo dài cùng thời điểm cây tiêu ra hoa nên năng suất các vườn tiêu giảm mạnh. Nông dân ước tính, năng suất hồ tiêu vụ này chỉ bằng 50% so với vụ trước.
Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho hay, hồ tiêu năm nay mất mùa, mất giá, nông dân đang rất lo. Vì giá thấp nên sau khi thu hoạch, người dân phơi khô, đem tiêu tích trữ.

Tuy nhiên, nhiều hộ vì vay mượn ngân hàng đầu tư trồng tiêu nên vẫn phải bán để có tiền trả gốc và lãi. Hơn 1 năm trước, khi giá tiêu thấp, ở Xuân Thọ có nhiều người thu mua với số lượng lớn, chờ giá lên, song sau đó họ thua lỗ. Năm nay tình trạng này chưa xuất hiện”.
Theo ghi nhận thực tế tại các vùng trồng nhiều hồ tiêu ở khu vực Đông Nam bộ, vào giai đoạn năm 2013 - 2015, thời điểm giá tiêu cao ngất trên thị trường lên đến 220.000-230.000 đồng/kg, nhiều gia đình đã phất lên nhanh chóng từ cây tiêu.

Thế nhưng, 3 năm gần đây, cao điểm đầu năm 2018, bất ngờ giá hồ tiêu tụt giảm thảm hại, nhiều nhà nông "tái mặt" vì tiêu thu hoạch bán chẳng ai mua, giá ngày càng giảm xuống còn trên dưới 50.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà nông bị thua lỗ.
Theo Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc người dân ồ ạt trồng hồ tiêu vượt cả quy hoạch cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu rớt mạnh do cung vượt cầu. Giá tiêu giảm sâu kỷ lục đã khiến không khí ảm đạm bao trùm khắp các làng quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các vùng trồng tiêu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

Người trồng hồ tiêu ở “thủ phủ” Bình Phước khốn đốn do tiêu rớt giá. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Khi cung vượt cầu dẫn đến giá giảm. Đánh giá của các nhà chuyên môn cho rằng năm 2018 tiếp tục là năm khó khăn của ngành hồ tiêu cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, giá hồ tiêu sẽ có những biến động do yếu tố cung, cầu và đầu cơ (giữ lại khi giá thấp) của người nông dân.
Giá tiêu giảm kéo theo bao hệ lụy, bởi cả một vụ tiêu người trồng đã bỏ ra rất nhiều vốn liếng đầu tư, vay mượn ngân hàng, nợ tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật… khiến nhiều chủ vườn tiêu rơi vào cảnh khó khăn.

Thậm chí, việc giá hồ tiêu giảm gần một nửa so với vụ trước khiến người trồng tiêu lao đao, thậm chí không dám thuê người hái.
"Công hái tiêu hiện nay là 150.000 đồng/ngày mà do tiêu không được mùa nên mỗi ngày chỉ hái được khoảng 5 - 6 kg.

Như vậy, tính ra chi phí cho tiền thuê công hái tiêu đã mất một nửa chi phí, phần còn lại phải lo phân tro, chăm sóc nên tính ra một năm trời cất công chăm sóc coi như công không", ông Phí Ngọc Hải, ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết.
Tại tỉnh Đắc Nông, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nông dân trồng tiêu tại tỉnh Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn do giá tiêu liên tục giảm trong mấy năm trở lại đây. Giá tiêu hiện nay chỉ bằng 1/3 so với cách đây hai năm và có thời điểm đã giảm gần 1 nửa so với năm ngoái.
Theo ông Lê Trọng Yên, với những diễn biến trên thị trường đang đòi hỏi nông dân phải phát triển theo hướng trồng tiêu sạch, bền vững.

Ngành nông nghiệp Đắk Nông đang định hướng, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất tiêu theo hướng thâm canh, sạch, bền vững và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP, xây dựng chỉ dẫn địa lý để truy suất nguồn gốc.
Đây là hướng đi tất yếu, trong bối cảnh cây tiêu tăng trưởng nóng, diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông năm 2018 đã vọt lên trên 33.000 ha, vượt xa quy hoạch của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về các sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chứng nhận chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ kịp thời người nông dân khi giá cả xuống thấp.
Cùng nhận định như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguyên nhân giá hồ tiêu giảm sâu là do cung vượt cầu, diện tích hồ tiêu cả nước tăng mạnh và sản lượng tiêu cũng đạt mức kỷ lục.

Đây cũng là tín hiệu bão hòa khi Việt Nam là nước chiếm trên 50% sản lượng tiêu thế giới, diện tích và sản lượng tăng liên tục trong những năm gần đây./.
Bài 4: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Xem thêm:

>>>Phát triển bền vững ngành hồ tiêu - Bài 4: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

>>>Phát triển bền vững ngành hồ tiêu- Bài 2: Hắt héo theo hồ tiêu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục