Phát triển bền vững: Nền tảng của niềm tin - Bài 1: Tạo thế cao và lực bền

15:18' - 04/12/2019
BNEWS Kinh tế xã hội ổn định và phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện, vị thế Việt Nam nâng cao chính là những bằng chứng thuyết phục nhất khẳng định con đường phát triển bền vững và hiệu quả.
Một góc cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Năm 2019, năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), đang đi dần về vạch đích. Những âu lo, thấp thỏm về khó khăn, thách thức trước xung đột phức tạp của thế giới, sự suy giảm kinh tế - thương mại toàn cầu và những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, đang dần lắng khi thành quả kinh tế - xã hội đã hiện hữu tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,9%; 12/12 chỉ tiêu đề ra được hoàn thành; nền kinh tế Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 với việc tăng ngoạn mục 10 bậc...

Kinh tế xã hội ổn định và phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế nâng cao chính là những bằng chứng thuyết phục nhất khẳng định con đường phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả.

Thước đo quan trọng hơn mọi chỉ số tăng trưởng và ghi nhận của cộng đồng quốc tế chính là sự hài lòng của người dân với cuộc sống, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thực tế đó, niềm tin đó chính là nền tảng vững chắc để đất nước vững bước trên con đường đi lên.

Dưới góc độ kinh tế, đánh giá thực chất thành quả kinh tế - xã hội của đất nước, hiểu đúng, hiểu rõ các vấn đề, các phạm trù trong đường lối phát triển kinh tế Đảng đã lựa chọn, cũng chính là chủ động bảo vệ những giá trị cốt lõi, nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên quan điểm đó, TTXVN trân trọng giới thiệu chùm bài viết với chủ đề “Phát triển bền vững: Nền tảng của niềm tin”.

Bài 1: Tạo thế cao và lực bền

Vững chèo vượt sóng

Ngày 3/6/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp Hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết nêu rõ: “Qua hơn 30 năm đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá X, Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế”.

Thước đo trình độ của một đất nước, của một nền kinh tế không chỉ là tăng trưởng GDP, mà còn là mức sống và sự hài lòng của người dân về môi trường sống ngày càng tăng.

Từ thành quả kinh tế - xã hội năm 2019, nhìn lại chặng đường hơn 30 năm Đổi mới, có thể thấy những thành tựu quan trọng trong công cuộc CNH - HĐH đất nước là minh chứng rõ nét nhất cho sự kiên định bảo vệ mục tiêu và thành công của đường lối phát triển mà Đảng đã lựa chọn.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp CNH - HĐH, tạo môi trường thu hút nguồn lực cho phát triển.

Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Theo số liệu từ Ban Kinh tế Trung ương, hơn 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước Đổi mới và được xếp vào nhóm tăng trưởng cao trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh và cao.

Từ năm 2008, với mức GDP bình quân đầu người đạt 1.047 USD (giá thực tế), Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Các vùng kinh tế trọng điểm được hình thành, trở thành động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước.

Những nỗ lực đổi mới trong 30 năm qua đã giúp môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển.

Tổng đầu tư xã hội cũng như tỷ trọng vốn đầu tư xã hội so với GDP tăng liên tục và duy trì ở mức cao, trong đó, giai đoạn 2004-2009 lên đến hơn 40%, thuộc vào nhóm nước có mức đầu tư cao nhất thế giới...

Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực.

Hơn 30 năm kiên trì và nhất quán dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả.

Quá trình đổi mới kinh tế cũng đã chứng kiến vai trò tích cực của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, tự do kinh doanh và cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Hành trình phát triển kinh tế - xã hội cũng là hành trình kiên định với mục tiêu, lý tưởng xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên chặng đường đó, con tàu đất nước đối mặt với không ít sóng to, gió cả nhưng vẫn luôn vững vàng vượt qua bởi ý chí quyết tâm và "tay chèo" vững lái. Nhìn lại chặng đường đã qua, chính những lần “vượt sóng” khủng hoảng kinh tế, lại là mỗi lần đất nước vững mạnh và tăng thêm vị thế.

Từ cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70, bùng phát trong thập kỷ 80 với lạm phát phi mã và kéo dài, trong khi Việt Nam nằm trong vài ba chục nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới, nhưng nhờ có đường lối của Đổi mới với những kết quả thần kỳ trong sản xuất lương thực và thành công bước đầu của kế hoạch khai thác và xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, bước vào giai đoạn ổn định và phát triển và đến năm 1992 lần đầu tiên Việt Nam đã có điểm sáng xuất siêu nhẹ.

Đến cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1998, hay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cuối năm 2007- 2008 ập đến trong điều kiện vừa mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đều kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp; có giải pháp xử lý kịp thời các hiệu ứng phụ; bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân...

Đặc biệt, việc lựa chọn nông nghiệp, nông thôn làm trọng điểm; kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; kết hợp sử dụng biện pháp cơ bản và biện pháp tình thế; kết hợp sử dụng “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”; minh bạch thông tin, xử lý nghiêm tin đồn; làm tốt công tác thông tin, phân tích kinh tế và dự báo... đã giúp Việt Nam đã không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới và đạt được những kết quả tích cực từ giữa năm 2009 đến nay.

Ngay gần đây, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung, những rào cản thương mại của các nước ngày càng có xu hướng thắt chặt, Đảng và Nhà nước đã "vững tay chèo" khi đưa ra các quyết sách điều hành phù hợp với từng thời điểm. Kiên định về đường lối, linh hoạt về giải pháp, đó chính là điểm tựa tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Giữa "vòng xoáy" các cuộc đối đầu thương mại, Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng và nâng cao vị thế trong cộng đồng quốc tế.

Xây thế, tạo lực

Lực đẩy thế hay thế tạo lực, thật khó tách rời từng phạm trù. Chỉ có thực tiễn là minh chứng không thể phủ nhận khi đồng thời với tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng vững mạnh.

Từ một đất nước vốn chỉ được biết đến với chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu, hơn 30 năm vươn lên trên chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần...

Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau 11 năm đàm phán.

Từ cánh cửa này, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách thương mại theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn. Đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập FTA với 15 nước trong khung khổ của 6 FTA khu vực.

Ngoài việc ký kết và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với tư cách là thành viên khối ASEAN, Việt Nam còn ký kết nhiều Hiệp định đối tác kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do với nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, mang lại một lợi thế cạnh tranh lớn và triển vọng tươi sáng cho nhiều ngành sản xuất hàng hóa trong nước.

Đặc biệt, đánh giá mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2019 của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong vòng một năm vừa qua. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của WEF, kết quả Việt Nam đạt được nhờ vào nỗ lực cải cách thể chế nói chung và đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Biểu hiện rõ nhất là Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại khu vực với năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.

Đánh giá về kết quả ngoạn mục này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, đây là thành quả của quá trình nỗ lực cải cách thế chế của Việt Nam như: cắt giảm, đơn giản hoá ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; chú trọng cải thiện các quy định, thủ tục nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh Chính phủ điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt; cải cách thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; giảm chi phí doanh nghiệp; từng bước tạo lập thể chế chính sách vượt trội nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo…

Nhận định về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng.

"Điều này cho thấy Việt Nam là đất nước đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mà đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Nỗ lực bằng cả trái tim và khối óc

Nhìn lại chặng đường đổi mới của đất nước, không phải không có những bước trầm, thậm chí không ít tư tưởng hoài nghi trước những luận điệu cố tình xuyên tạc, bôi đen những thành quả và con đường mà Đảng đã lựa chọn.

Đặc biệt, vào những khúc cam go, trên những cung trầm, những luận điệu cố tình gây hoang mang của các thế lực thù địch càng có cơ hội xuất hiện.

Cụ thể như phủ nhận những thành quả kinh tế - xã hội; so sánh, viện dẫn khập khiễng về xuất phát điểm với các nước công nghiệp phát triển để hạ thấp thành quả của Việt Nam; hoài nghi về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; cho rằng Việt Nam "vượt bão" khủng hoảng kinh tế nhờ “ăn may”...

Không khó để nhận ra, với những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, việc các thế lực thù địch thường viện dẫn so sánh với các nước công nghiệp phát triển để “hạ thấp thành quả của Việt Nam” là phi thực tế và không có cái nhìn biện chứng lịch sử khi mà điều kiện, xuất phát điểm ở mỗi nước khác nhau. Và thực tế cho thấy mỗi lần vượt qua khủng hoảng kinh tế là mỗi lần Việt Nam chuyển được vị thế của mình.

Tính từ khi bắt tay vào Đổi mới, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ nhất (khoảng 1980-1981), Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước gồm vài ba chục nước có thu nhập thấp nhất thế giới (kém phát triển) sang nhóm nước đang phát triển (có thu nhập thấp).

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ hai (1998), Việt Nam đã chuyển từ một nước mở rộng cửa trong nước sang mở rộng cửa hội nhập với thế giới. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thứ ba (2007-2008), Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...

Vượt lên tất cả, bằng một niềm tin sắt son vào con đường đã lựa chọn, toàn bộ hệ thống chính trị quốc gia luôn trong tâm thế một lòng.

Bồi hồi trong ngày lễ công bố thành lập thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) - một địa phương thuần nông nhanh chóng chuyển mình thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cựu chiến binh Lê Vân An (phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh) chia sẻ: “Trước ngày 30/4/1975, lứa chúng tôi ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, xông tới mọi chiến trường, không ngại gian khổ, hy sinh, góp sức đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc để có ngày hôm nay. Tôi vui mừng vì mình còn được sống, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước. Chứng kiến quê hương những ngày bom rơi đạn nổ, bước qua những khó khăn của những ngày thiếu đói, gian khổ, với tôi, còn niềm tin nào lớn hơn khi nhìn thấy quê hương đổi thay từng ngày. Chúng tôi tin tưởng trong tương lai đô thị Long Khánh sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa, đồng thời đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây sẽ không ngừng được nâng cao”.

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị”.

Nền tảng tư tưởng của Đảng được bảo vệ vững vàng bằng niềm tin vững chắc vào tư duy lý luận và chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, bằng vị thế và tiềm lực thực tế của đất nước.

Niềm tin ấy, thực tế ấy sẽ tiếp tục là nền tảng để bước vào năm 2020, năm dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển và thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước./.

>> Phát triển bền vững - Bài 2: Xóa đói, giảm nghèo - kỳ tích không thể phủ nhận

>> Phát triển bền vững - Bài 3: Lành mạnh hóa bộ máy kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục