Phát huy hiệu quả từ đổi mới hoạt động chất vấn tại nghị trường

16:20' - 06/06/2019
BNEWS Sau hai ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trưa ngày 6/6, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đây là nội dung đặc biệt quan trọng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước qua sóng phát thanh và truyền hình.
Kỳ họp thứ 7 là lần thứ sáu Quốc hội khóa XIV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Trên cơ sở phát huy những mặt tích cực đã làm được của các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới góp phần tăng tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường.

Chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề xoay quanh 4 nội dung: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá những nội dung được lựa chọn chất vấn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Bốn Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn gồm: Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong quá trình chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, cùng các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tham gia giải trình và báo cáo làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bốn nhóm nội dung chất vấn tại Kỳ họp này đều là vấn đề “nóng”, rất trúng và đúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước cũng như các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đã nêu những vấn đề ngành Công an cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế liên qua tới rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông; phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm...
Cũng là thành viên Chính phủ lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại khóa họp, phiên chất vấn về lĩnh vực xây dựng diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi tập trung, đi thẳng vào vấn đề mà xã hội đang quan tâm, theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Trên cơ sở những vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập, thời gian tới, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan đến kinh doanh, quản lý nhà chung cư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Ngành tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản, quản lý trật tự đô thị; rà soát, sửa đổi, bổ sung để đến năm 2021, ban hành và thực hiện hệ thống định mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá xây dựng bảo đảm minh bạch, đồng bộ...
Nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có những giải thích, lý giải cụ thể về các nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, bất cập, đồng thời đưa ra những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện. Thời gian tới, ngành tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông, trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải cạnh tranh bình đẳng theo quy định của pháp luật...

Thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn, nhiều vấn đề quan trọng trong xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân đã được các đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau phiên chất vấn, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các bộ, ngành địa phương có các giải pháp, đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật đồng thời với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.

Nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong thực thi nhiệm vụ

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cho thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, mà còn tập trung bàn giải pháp, thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Những mặt tích cực đã làm được tại các kỳ họp trước, được các đại biểu Quốc hội và cử tri hoan nghênh tiếp tục được áp dụng, phát huy tại kỳ họp này, tạo không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi và xây dựng tại nghị trường. Kỳ họp thứ 7 tiếp tục áp dụng phương thức "hỏi nhanh, đáp gọn", mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn 1 phút, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Hai ngày rưỡi chất vấn tiếp tục khẳng định hiệu quả của đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung. Việc đổi mới cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.
Có thể nhận thấy, không khí dân chủ, thẳng thắn, đi đến tận cùng của vấn đề qua hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Diên hồng. Bên hành lang nghị trường, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả tích cực của phương thức "hỏi ngắn, đáp gọn” tại Kỳ họp lần này. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn, giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến. Những câu hỏi ngắn gọn, trực diện vào những vấn đề được xã hội quan tâm được các đại biểu nêu ra đã làm cho nội dung của phiên chất vấn thêm phong phú, hấp dẫn, có những câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng được tranh luận tiếp để đi đến tận cùng của vấn đề cho thấy trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân cả nước.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri và nhân dân cả nước đồng tình với những đổi mới của Quốc hội trong hoạt đông chất vấn, qua đó tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội truyền tải những mong muốn, nguyện vọng của người dân tới nghị trường, thể hiện sinh động vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Tại các phiên chất vấn, hơn 230 lượt đại biểu đã tham gia chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra. Mặc dù Quốc hội đã dành hai ngày rưỡi để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại Hội trường. Điều này cho thấy, các vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn thực sự "nóng", liên quan mật thiết tới đời sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Với những nội dung đã diễn ra trong hai ngày rưỡi chất vấn, có thể khẳng định rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp. Qua việc đặt câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, việc trả lời của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã cho Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục