Phải chăng đồng yen đang đánh mất vị thế là "nơi trú ẩn an toàn"?

05:30' - 27/02/2020
BNEWS Xu hướng bán tháo đồng yen khá mạnh trong thời gian gần đây giữa bối cảnh thế giới đang đặt dấu hỏi về đối sách của Tokyo đối với dịch COVID-19 và tình hình tăng trưởng ì ạch của kinh tế Nhật Bản.
Đồng 10 USD (phải) và đồng 10.000 yen Nhật tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: EPA/TTXVN

Tỷ giá giao dịch của đồng yen so với đồng USD đã rơi xuống gần mức thấp nhất của 10 tháng hôm 20/2 là 112,23 yen đổi 1 USD tại sàn giao dịch New York, giữa bối cảnh đồng bạc xanh tăng giá trước các dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi của Mỹ. Đà giảm của đồng yen đã dịu lại khi tỷ giá đồng tiền này phục hồi nhẹ trong những phiên giao dịch đầu tuần này. Đến ngày 26/2, 1 USD đổi 110,3 yen tại thị trường Tokyo.

Các thương nhân đã bày tỏ nghi ngờ về phản ứng của Chính phủ Nhật Bản trước đại dịch COVID-19, khi các phương tiện truyền thông hôm 20/2 loan tin rằng hai hành khách trên tàu du lịch bị cách ly Diamond Princess chết vì nhiễm virus SARS-CoV-2. Thông tin này đã thổi bùng lên một làn sóng bán tháo đồng tiền tệ nước Nhật, vốn được coi là một trong những nơi trú ẩn an toàn.

Kinh tế Nhật Bản có sự gắn kết chặt chẽ với “người láng giềng” Trung Quốc. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại rằng hoạt động kinh doanh tại “xứ hoa anh đào” sẽ chuyển động cùng chiếu với sự suy sụp của hoạt động chi tiêu các ngành công nghiệp và tiêu dùng Trung Quốc.

Đặc biệt, mối quan ngại này đến trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản vốn được đánh giá là hiện không có thể trạng tốt. Trong quý IV/2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã công bố những số liệu gây sốc, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm đến 6,3%, là kết quả theo quý tồi tệ nhất của 5 năm, hậu quả từ các chính sách tăng thuế của Tokyo.

Xu hướng đảo ngược trong tăng trưởng đã gây ra một loạt chỉ trích trên các phương tiện truyền thông quốc tế về cách xử lý nền kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong một bài xã luận gần đây, Tạp chí Wall Street Journal đã gọi đợt tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 10/2019 là "Sai lầm thuế VAT của Nhật Bản". Trong khi đó, một bình luận của tờ Thời báo Tài chính cũng chỉ trích việc Tokyo tăng thuế, nói rằng "thật không may" khi Chính phủ của ông Abe đã quá chú trọng đến việc kiểm soát ngân sách.

Trong khi đó, vàng vẫn kiên định tăng giá với tư thế là một tài sản an toàn được lựa chọn. Giá vàng giao kỳ hạn trên sàn giao dịch COMEX của thị trường New York (Mỹ) tiếp tục đi lên trong ngày 24/2 khi nhu cầu đối với các tài sản an toàn gia tăng do quan ngại về diễn biến mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giá vàng giao tháng 4/2020 tăng 1,69%, tương đương 27,8 USD, lên 1.676,6 USD/ounce.

Nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết: "Trong khi sự hiện diện của đồng yen như một tài sản trú ẩn an toàn đang suy yếu, vàng vẫn tiếp tục được hưởng lợi".

Trong khi đó tại Mỹ, nơi được cho là không quá đáng lo ngại về dịch COVID-19, giới đầu tư đang tận hưởng những dữ liệu tích cực về nền kinh tế số một thế giới. Chỉ số hoạt động sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại Philadelphia đã tăng 19,7 điểm trong tháng 2/2020 so với tháng trước đó, lên mức 36,7 - vượt xa dự báo của thị trường về một mức tăng chỉ 8 điểm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng những biến động trên thị trường ngoại hối cũng có thể chịu ảnh hưởng từ thông tin tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Nhật Bản Seven & i Holdings đang đàm phán để mua lại chuỗi trạm xăng Speedway từ nhà máy lọc dầu Marathon của Mỹ. Thỏa thuận được đề xuất ước tính trị giá khoảng 22 tỷ USD và sẽ đòi hỏi công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Nhật Bản thực hiện một giao dịch mua sắm khổng lồ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục