Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh khác thường so với mọi năm

16:26' - 14/10/2019
BNEWS Hiện tượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có khác thường so với mọi năm và rất nghiêm trọng, mức ô nhiễm cục bộ tăng lên.

"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khác thường so với mọi năm và ô nhiễm cục bộ tăng"- Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Văn Thức nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội.

Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, mưa ít, hiện tượng nghịch nhiệt và việc chưa quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm... là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, hiện tượng ô nhiễm trong năm nay có khác thường so với mọi năm và rất nghiêm trọng, mức ô nhiễm cục bộ tăng lên. 

* Ô nhiễm môi trường tăng lên

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, riêng tháng 9 vừa qua là thời điểm ít mưa nhất trong 6 năm trở lại đây, đồng thời cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, bụi không phát tán lên cao nhiều như mọi khi do giao mùa.

Chỉ số không khí ở thủ đô Hà Nội ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đặc biệt, khu vực ngoại thành Hà Nội, người dân đốt rơm rạ khói ảnh hưởng một phần không khí của Thủ đô. Trước đó, tháng 3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan trắc và có cảnh báo nguyên nhân, nếu không kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm mà vẫn tồn tại ô nhiễm từ các nguồn phác thải từ giao thông, xây dựng cũng như thói quen sinh hoạt của người dân sẽ tác động xấu đến môi trường đặc biệt là môi trường không khí.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức, đánh giá từ năm 2013 đến nay, chất lượng không khí ở các đô thị ở Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng không khí luôn tăng, giảm cục bộ trong ngày và phụ thuộc vào vị trí của từng trạm quan trắc. Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, trong thời gian từ ngày 12-29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng.

Đặc biệt từ 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm, nồng độ bụi tăng hơn 75%, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam. Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc nhiều năm qua cho thấy, xu hướng biến động của nồng độ bụi PM10 và PM2.5 tại thành phố Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. 

Nếu đặt các trạm quan trắc ở khu vực điểm nóng ô nhiễm như những nơi có mật độ giao thông cao, cạnh các công trình lớn đang xây dựng,... thường chất lượng không khí kém hơn. Để xác định chất lượng không khí toàn Hà Nội phải căn cứ vào mật độ trạm đo.

Sắp tới, Tổng cục Môi trường sẽ thiết kế các trạm quan trắc không khí cố định liên tục, kết nối với các trạm của các địa phương và đưa thông tin ô nhiễm thực của cả quốc gia lên điện thoại cho người dân cập nhật.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa, chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí. 

Cũng theo kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số thành phố trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước châu Á trong giai đoạn 2016 -2018) cho thấy, thành phố Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố, năm 2018, đứng vị trí 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém.

* Kết quả đạt được và nhiệm vụ trọng tâm

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã thông báo những kết quả mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong 9 tháng năm 2019; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; đồng thời thông tin một số nội dung có tính chuyên đề về triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; cải cách hành chính...

Tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

9 tháng qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng hạn 24 văn bản, đề án, trong đó có 1 đề án vượt tiến độ; ban hành 16 Thông tư nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đối với công tác quản lý tài nguyên và môi trường trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát, đánh giá thực tiễn, đề xuất giải quyết, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực tài nguyên, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng trở lại ở mức 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm tăng trưởng. Tiềm năng lợi thế về biển và hải đảo tiếp tục được phát huy cho phát triển, nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…đang trở thành điểm sáng tăng trưởng mới của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai kiểm kê toàn bộ quỹ đất lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Bộ rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, giải quyết tình trạng hạn hán, giảm lũ và phát điện…

Bên cạnh đó, Bộ tập trung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, thiết lập hàng rào kỹ thuật phòng ngừa công nghệ lạc hậu chuyển dịch vào Việt Nam khi các hiệp định thương mai tự do chính thức có hiệu lực. 

Bộ chỉ đạo khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phát triển mô hình tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp; đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Bộ nâng cao chất lượng dự báo, góp phần giảm thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra.

Trong 3 tháng cuối năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và đặt quyết tâm giải quyết các điển nghẽn, rào cản phát sinh từ thực tiễn, trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, tập trung sửa đổi Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng trong Chương trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2019. 

Cùng với đó, Bộ tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019./.

Xem thêm:

>>Để hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội

>>Giảm ô nhiễm không khí từ góc độ quản lý sử dụng rơm rạ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục