Ô nhiễm khó kiểm soát ở làng nghề

08:44' - 01/09/2019
BNEWS Vấn đề đặt ra là những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn... lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát.
Lao động chế tác đồ đồng tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Làng nghề truyền thống, không chỉ là nơi sản sinh ra các nghệ nhân đất Việt, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của các vùng miền, địa phương mà còn là nơi tạo thu nhập, việc làm cho hàng triệu lao động địa phương.

Song vấn đề đặt ra là những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn... lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát.

Vậy giải pháp nào để cải thiện môi trường làng nghề là bài toán không chỉ các địa phương mà cả các cơ quan chức năng cần tính toán?

Báo động ô nhiễm

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là địa phương chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ ở tỉnh Bắc Ninh nói chung, thị xã Từ Sơn nói riêng, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Tìm hiểu thực tế tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ, trong quá trình sản xuất, nhiều cơ sở sản xuất tại đây hiện sử dụng nhiều nguyên vật liệu và hoá chất khác như keo (cồn), bột đắp, giấy ráp, sơn, dung môi và véc ni.

Nhiều loại chất thải phát sinh trong sản xuất gồm chất thải rắn như: gỗ vụn, mùn cưa, giấy ráp thải. Đặc biệt bụi, hơi các dung môi hữu cơ phát sinh nhiều nhất là nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đó là chưa kể đến những công đoạn như: cắt xẻ, pha gỗ nguyên liệu và đánh bóng gia công bề mặt phát sinh nhiều bụi nhất.

Theo nghệ nhân Vũ Văn Quý, làng nghề gỗ Đồng Kỵ, nồng độ bụi tại làng nghề vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,0 - 1,67 lần. Bụi từ các máy cưa xẻ, pha gỗ có kích thước lớn thường dễ lắng.

Còn bụi từ các máy chà, máy đánh giấy ráp có kích thước nhỏ và dễ phân tán nên là nguồn gây ô nhiễm bụi không chỉ đối với khu vực sản xuất mà còn đối với môi trường không khí xung quanh của làng nghề.

Mặt khác, hơi dung môi hữu cơ phát sinh trong quá trình sản xuất, đặc biệt ở các khâu đánh thuốc (sơn hoặc đánh véc ni) hoàn thiện sản phẩm cũng ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không khí.

Chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất chủ yếu là các mùn gỗ, đầu mẩu… hiện vào khoảng 19 tấn/ngày; trong đó, lượng chất thải rắn công nghiệp là 8,5 tấn/ngày, chiếm khoảng 48%.

“Ô nhiễm môi trường không khí ở những làng nghề chế biến gỗ đã đến mức báo động. Đến lúc phải ngăn chặn tình trạng này và nâng cao ý thức của chính các hộ sản xuất địa phương”, nghệ nhân Quý nói.

Báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh hiện có 62 làng nghề; trong đó, có 30 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm...

Những làng nghề này đã đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh, song cũng để lại nhiều hệ luỵ đáng lo ngại với môi trường.

Ông Lê Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, rất nhiều làng nghề tình trạng ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý như: tái chế giấy Phú Lâm, tái chế nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái...

Tại các làng nghề, nước mặt khu vực nông thôn đã có dấu hiệu ô nhiễm, hàm lượng ôxi hoà tan trong nước ở các hồ ao khu vực nông thôn đều đã bị suy giảm.

“Đây thực sự là vấn đề đang lo ngại, cần sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý và ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương”, ông Dũng khẳng định.

Theo TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khảo sát cho thấy có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa.

“Hơn ai hết, người dân ở các làng nghề chính là nạn nhân khi phải gánh chịu một môi trường ô nhiễm, độc hại từ việc phát triển sản xuất do chính mình gây ra. Do vậy, cần có những hành động thiết thực để hạn chế những tác động xấu đến môi trường của các hoạt động sản xuất làng nghề”, TS Tôn Gia Hóa cho hay.

Coi trọng quản lý, quy hoạch...

Để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian tới, theo ông Lê Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Bắc Ninh, quy hoạch được xem là yếu tố hàng đầu.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Cụ thể, tỉnh cần quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, di dời các cơ sở sản xuất, các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi làng nghề và đưa vào khu quy hoạch khu sản xuất tập trung; quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời, giảm tiêu hao nguyên nhiên, vật liệu và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, ưu tiên các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các làng nghề, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm gần khu dân cư ra khỏi khu dân cư.

TS Nguyễn Quang Hùng, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội cho hay, cần tăng cường quản lý, quy hoạch và quan trọng hơn cả là thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm về môi trường làng nghề.

Các làng nghề vốn có từ nhiều năm nay, hoạt động phân tán nhỏ lẻ và đan xen trong các khu dân cư. Do vậy, để từng hộ sản xuất, doanh nghiệp tự chủ nguồn lực, kinh phí cho cải thiện môi trường sẽ hết sức khó khăn. Thêm vào đó, hiện nay cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm minh những vi phạm về môi trường.

Theo ông Hoàng Chính Nghĩa, Cục phó Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, các làng nghề muốn được khẳng định, phát triển một cách bền vững và hướng đến thị trường, chắc chắn ngoài yếu tố độc đáo, giá trị của sản phẩm, cũng cần lưu ý là sản phẩm phải thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm.

Có như vậy, sản phẩm của các làng nghề mới có thể vươn xa khỏi “ao làng” và xuất khẩu ra các nước trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục