Nuôi cá da trơn thâm canh trên bãi bồi ven sông Tiền

10:59' - 22/05/2018
BNEWS Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh đã khai thác được trên 122 ha bãi bồi đưa vào nuôi cá da trơn, chủ yếu là cá tra theo mô hình thâm canh.
Thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng, người nuôi có lãi nên rất phấn khởi. Ảnh minh họa: TTXVN

Là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, có mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, Tiền Giang quan tâm khai thác tiềm năng đất bãi bồi đưa vào nuôi cá da trơn theo mô hình thâm canh nhằm tạo ra nguồn sản phẩm có giá trị chế biến xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế vừa đạt tiêu chí an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng chất lượng nguồn hàng phục vụ chế biến xuất khẩu, tỉnh khuyến khích các hộ dân áp dụng nuôi theo hướng GAP, chú trọng kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá theo khoa học, không sử dụng các loại kháng sinh hoặc thuốc cấm theo danh mục của ngành chức năng công bố.
Đáng mừng là thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng, người nuôi có lãi nên rất phấn khởi. Ông Năm Đời, cư ngụ tại xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy có 20 ha bãi bồi nuôi cá tra thâm canh, mỗi năm đạt sản lượng thu hoạch khoảng 5.000 tấn cá nguyên liệu. Ông Đời cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng cao, có thời điểm đạt mức kỷ lục từ 32.000 - 34.000 đồng/kg. Với sản lượng cá tra trên, năm qua, ông Nguyễn Văn Đời thu lãi ròng hàng chục tỷ đồng.
Ông Đời đánh giá, với sự hồi phục mạnh mẽ của giá cá tra nguyên liệu sẽ thiết thực động viên nông dân khôi phục và phát triển diện tích nuôi cá da trơn bãi bồi ven sông Tiền mà xã cù lao Tân Phong chính là một trong những trọng điểm.
Theo ông Kiều Mạnh Quân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong, địa phương có trên 60 ha bãi bồi nuôi cá da trơn, chiếm gần 50% tổng diện tích nuôi cá da trơn trong tỉnh.
Tiền Giang đã có 6,4 ha cá tra thâm canh được cấp chứng nhận GlobalGAP, 15,8 ha nuôi cá tra được cấp chứng nhận ASC và trên 45 ha nuôi cá tra được cấp chứng nhận VietGAP. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi thực hiện quy trình nuôi hướng GAP để tái công nhận vừa đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng đất bãi bồi đưa vào nuôi cá da trơn thâm canh, giải quyết việc làm cho người lao động vừa mang lại hiệu quả cao cho người nuôi, Tiền Giang coi trọng quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, hướng bà con nuôi theo an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi cá da trơn tham gia Đề án chuỗi liên kết nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long theo chủ trương của Chính phủ.

Vùng nuôi trọng điểm của tỉnh chính là khu vực các cù lao, bãi bồi trên sông Tiền tại các huyện vùng đầu nguồn: Cai Lậy, Cái Bè./.

>>> Làm gì để nâng "chất" cho cá tra Việt Nam?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục