Nước Mỹ giữa cuộc đua Nhật-Hàn

05:30' - 17/07/2019
BNEWS Thời báo Hàn Quốc mới đây đăng bài xã luận cho rằng Nhật Bản nên chấp nhận tham gia cuộc gặp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật để giải quyết vấn đề thương mại hiện nay giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo nội dung bài viết, Hàn Quốc đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề thương mại với Nhật Bản. Theo Phó Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Hyun-chong, người đang gặp gỡ các quan chức thương mại và các nhà lập pháp Mỹ tại thủ đô Washington, trong đó có Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, chính quyền Mỹ đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp ba bên với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận vấn đề này.
Giữa lúc việc Nhật Bản thắt chặt các quy định xuất khẩu đối với một số nguyên liệu công nghệ cao từ nước này sang thị trường Hàn Quốc có thể gây tổn hại cho liên minh giữa Mỹ với hai nước này, chưa kể đến nguồn cung các hàng hóa liên quan trên toàn cầu, Washington cần chủ động hòa giải giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trước khi quá muộn. 
Những mâu thuẫn trong lịch sử không bao giờ kết thúc giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể gây thất vọng cho Mỹ. Bài xã luận nhận định Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng đằng sau việc hạn chế xuất khẩu gần đây sang Hàn Quốc, vì ông muốn có thêm sự ủng hộ của cánh hữu trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7/2019. Ông Abe nên nhận ra rằng các hạn chế xuất khẩu có thể mang lại kết quả không mong muốn.
Nhà Xanh đã xác nhận tin tức trên các phương tiện truyền thông ngày 11/7 rằng Nga đã chào bán hydro florua, một trong những mặt hàng bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu, cho Hàn Quốc. Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết đề nghị của Nga đang được nước này xem xét.
Trước đó, khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc, Chính phủ Nhật Bản ngày 1/7 tuyên bố bắt đầu thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc từ ngày 4/7. 
Trong đó đáng chú ý là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn. 
Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế. Lệnh hạn chế của Nhật Bản được dự báo sẽ tác động lớn tới ngành sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị của Hàn Quốc, thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà cung cấp linh kiện đầu vào cho các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei…
Nỗ lực của Mỹ trong việc hòa giải mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật cũng có thể đóng vai trò chiến lược trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên vì sự đổ vỡ quan hệ Seoul-Tokyo có thể làm phức tạp các nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7 cam kết tăng cường quan hệ với cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng "Nhật Bản và Hàn Quốc tất nhiên không chỉ là bạn bè, họ còn là đồng minh", cho biết thêm Mỹ sẽ làm mọi cách có thể để để tăng cường các mối quan hệ song phương và giữa ba nước, cả công khai và trong hậu trường.
Mỹ rõ ràng đang có lập trường thận trọng đối với cuộc tranh cãi thương mại này vì họ nhận thức rõ những gì đằng sau sự căng thẳng leo thang giữa hai đồng minh của Washington. Tuy nhiên, rõ ràng là, tranh chấp kéo dài sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào trong ba nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục