Nông sản sạch huyện vùng cao Quảng Ngãi kết nối với siêu thị BigC

10:30' - 07/09/2018
BNEWS Sản phẩm nông sản sạch ở huyện vùng cao Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã được kết nối với hệ thống các siêu thị của BigC ở Việt Nam.

Đây chính là thành công từ sự nỗ lực của chính quyền huyện Sơn Hà trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân (chủ yếu là người đồng bào Hre).

Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà cho biết, bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân luôn được huyện Sơn Hà quan tâm.

Do đó, thời gian qua, huyện chú trọng việc quảng bá các sản phẩm của bà con nông dân, tìm kiếm nhà tiêu thụ, kết nối với thị trường trong và ngoài tỉnh để đưa nông sản của bà con ra thị trường lớn.

Nhờ đó, huyện đã kết nối được với hệ thống siêu thị Big C khu vực miền Trung và phía Nam để đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ. Từ đó, ổn định sản lượng đầu ra cũng như sản xuất, thu nhập của bà con nông dân theo chuỗi giá trị.

Sau một thời gian chuẩn bị, các sản phẩm nông sản sạch của các nhóm hộ nông dân huyện Sơn Hà hiện đã được đưa vào phân phối tại 15 siêu thị BigC phía Nam. Từ đó, nâng tổng số các siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch của huyện Sơn Hà là 18 siêu thị (trước đó có 3 siêu thị Big C ở miền Trung).

Trung bình cứ 2 lần mỗi tuần, các hộ nông dân ở huyện vùng cao này phải cung cấp khoảng 1.000kg gà kiến, 400kg rau rừng, bắp chuối, 100kg ớt xiêm rừng và khoảng 400kg chuối hột rừng khô cho BigC.

Các sản phẩm nông sản sạch của các nhóm hộ nông dân huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã được đưa vào phân phối tại 15 siêu thị BigC phía Nam. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà, các sản phẩm bước đầu đã được khách hàng ưa chuộng như: gà kiến, các loại rau và sản phẩm từ rừng, như: bắp chuối, chuối hột phơi khô, rau dớn… Theo thống kê của siêu thị, rau rừng Sơn Hà có doanh số bán đứng trong top đầu của các loại rau ở các siêu thị này.

Anh Đinh Văn Quân, người dân tộc Hre, xã Sơn Thủy vui mừng cho biết, trước đây, gia đình anh không dám nuôi nhiều vì rất khó bán và phải chờ đợi vào những ngày lễ, Tết.

Gia đình anh Quân nuôi khoảng 100 con gà kiến thả vườn để phục vụ nhu cầu của người dân trong xã. Nay, chính quyền huyện Sơn Hà kết nối với hệ thống siêu thị khiến người dân thấy an tâm về đầu ra.

Cùng với gia đình anh Quân, nhiều hộ đồng bào dân tộc Hre của huyện Sơn Hà vui mừng khi các sản phẩm nông sản của mình đã đảm bảo được đầu ra. Để có được số lượng phục vụ cho người tiêu dùng dưới đồng bằng, các hộ ở huyện Sơn Hà đã thành lập các nhóm hộ, liên kết lẫn nhau, cùng nhau hợp tác để đủ số lượng cung cấp cho thị trường rộng lớn này.

Bên cạnh đó, để sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi việc giết mổ gia cầm, sơ chế, chế biến các sản phẩm phải theo đúng quy trình kỹ thuật khép kín, không nhiễm bẩn, có trang thiết bị cần thiết.

Đồng thời, phải có giấy kiểm dịch gia cầm để vận chuyển ra ngoài tỉnh.

Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến theo hình thức huy động kinh phí của hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác và xã hội hóa.

Cơ sở được xây dựng tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng (Xí nghiệp Công Nhường cũ) và đến nay, cơ bản đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị, điện nước, có máy vặt lông, máy hút chân không, máy sục ôzôn.

Trung bình cứ 2 lần mỗi tuần, các hộ dân ở huyện vùng cao huyện Sơn Hà cung cấp khoảng 1.000kg gà kiến, 400kg rau rừng, bắp chuối, 100kg ớt xiêm rừng và khoảng 400kg chuối hột rừng khô cho hệ thống siêu thị BigC. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Ngoài sản phẩm gà kiến Sơn Hà, các sản phẩm nông sản sạch khác như: chuối hột rừng, rau dớn… cũng đã được các cấp chính quyền huyện khẩn trương qui hoạch lại vùng nguyên liệu để khai thác một cách hiệu quả và bền vững.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Phùng Tô Long, đến thời điểm hiện nay, huyện đã thiết kế xong logo "Nông sản Sơn Hà" và các nhãn hiệu hàng hóa theo đúng quy chuẩn.

Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên của huyện đã gửi hồ sơ đăng ký và đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số, mã vạch hàng hóa.

Trong tương lai, huyện Sơn Hà tiếp tục xây dựng và quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm để làm gia tăng giá trị nông sản của Sơn Hà theo hướng đặc sản Sơn Hà hoàn toàn tự nhiên và chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân tộc Hre của huyện chiếm đến 80% dân số ở địa phương. Do đó, mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín này đã làm thay đổi thói quen cố hữu nặng về tự cung, tự cấp của người dân tộc thiểu số ở vùng cao Sơn Hà.

Bên cạnh đó, Sơn Hà đã bước đầu thành công trong việc xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản mang thương hiệu vùng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng và giúp người dân địa phương tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo./.

Xem thêm:

>>Cơ hội nào cho mô hình sản xuất – thương mại sản phẩm nông sản sạch

>>Kết nối cung cầu giúp nông sản sạch đến với người tiêu dùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục