Nỗi lo về Brexit lan đến thị trường châu Á

16:25' - 21/06/2016
BNEWS Trên các thị trường toàn cầu, nỗi lo về bất ổn trong trường hợp người dân Anh nói “Có” với kịch bản Brexit, đã khiến giới đầu tư có xu hướng đi tìm những kênh trú ẩn an toàn như đồng yen Nhật Bản.
 Đồng yen Nhật có khả năng mạnh lên trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: reuters

Báo cáo khảo sát điều tra Tankan vừa do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy niềm tin của các hãng chế tạo Nhật Bản đã được cải thiện đôi chút lên mức +3 trong tháng 6/2016, so với mức thấp nhất của ba năm là +2 được ghi nhận tháng trước đó.

Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không thật mạnh do những quan ngại về sự mạnh lên của đồng yen Nhật trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU).

Trên các thị trường toàn cầu, nỗi lo về bất ổn trong trường hợp người dân Anh nói “Có” với kịch bản Brexit, chỉ khả năng London rời EU, đã khiến giới đầu tư có xu hướng đi tìm những kênh trú ẩn an toàn như đồng yen Nhật Bản.

Điều này làm đồng yen tăng giá và trở thành yếu tố gây cản trở hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Báo cáo được thực hiện trong các ngày 6-16/6 kể trên cũng chỉ ra rằng niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ của “xứ hoa anh đào” đã thu hẹp từ +19 hồi tháng Năm xuống chỉ còn +17 trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013 giữa bối cảnh chi tiêu tư nhân đình trệ.

Đây cũng là nguyên nhân buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải một lần nữa hoãn kế hoạch tăng thuế bán hàng đến năm 2019. Báo cáo của Reuters được công bố trước thềm báo cáo khảo sát điều tra Tankan của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến được công bố ngày 1/7 tới.

Đây được coi là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất được BoJ sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng.

Trong khi đó, tại Australia, Ngoại trưởng Julie Bishop ngày 20/6 khẳng định lợi ích của Sydney trong các vấn đề về kinh tế, chiến lược, lịch sử và đặc biệt là an ninh và tình báo gắn liền với việc nước Anh quyết định ở lại với EU.

Quan chức này cho hay mặc dù xuất khẩu trực tiếp của Australia sang nước Anh và EU chỉ chiếm lần lượt 2% và 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này song mối liên kết giữa các thị trường chứng khoán lại là rất mạnh. Theo Ngoại trưởng Bishop, kịch bản Brexit sẽ làm gia tăng bất ổn trên các thị trường toàn cầu.

Brexit được dự báo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế thế giới. Ảnh: hl

Trên phạm vi toàn cầu, Brexit được dự báo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế thế giới, bởi việc nước Anh rời khỏi EU sẽ đảo ngược xu hướng đầu tư và thương mại toàn cầu, từ đó sẽ tạo nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Brexit có thể tạo ra "làn sóng tấn công" nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới, và khi ấy không chỉ nước Anh, EU mà cả các nền kinh tế châu Á, Mỹ..., cũng chịu tác động.

Trong bối cảnh đa số các thị trường tài chính vẫn tin rằng người Anh sẽ bỏ phiếu ở lại (theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây), tác động từ một kết quả “Có” với Brexit có thể sẽ rất lớn. Đồng Bảng Anh cũng như giá cổ phiếu gần như chắc chắn sẽ giảm đáng kể, cổ phiếu ngân hàng và các tập đoàn đa quốc gia sẽ mất giá nhiều nhất.

Thậm chí, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từng gọi Brexit là "thảm họa".

>>> Brexit – Những hệ quả khó lường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục