Nỗi lo đằng sau làn sóng nới lỏng định lượng trên thế giới (Phần 1)

06:03' - 24/09/2019
BNEWS Sau khi Mỹ giảm lãi suất, ngân hàng trung ương của một loạt nước đã có động thái tương tự. Tuy nhiên, đó có phải là tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới sẽ bước theo con đường phát triển bền vững?
Đồng đôla Mỹ tại Washington D.C. ngày 1/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Vào lúc 1h sáng ngày 19/9 theo giờ Hà Nội, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 1,75-2%. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2019 đến nay, Fed giảm lãi suất, đánh dấu điều mà nhiều người coi là chu kỳ mới với lãi suất. Quyết định hồi tháng 7/2019 với mức giảm tương tự là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất trong hơn 1 thập niên qua. 
Tuy nhiên, thị trường đã phản ứng khác với thông lệ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) ngày 19/9 có lúc giảm tới 211 điểm, chỉ đến khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ nghiên cứu thời gian thích hợp cho việc mở rộng bảng cân đối kế toán, biên độ sụt giảm mới thu hẹp dần.
Nguyên nhân đầu tiên là tuy Fed quyết định giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhưng chỉ có 7/17 thành viên trong ban lãnh đạo Fed cho rằng trước cuối năm nay Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa. 
Trong đó, 5 thành viên ban lãnh đạo cho rằng Fed nên duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay còn 5 người dự kiến lãi suất sẽ quay đầu tăng trở lại. Rõ ràng, nội bộ ban lãnh đạo Fed không có tiếng nói chung về việc giảm lãi suất trong tương lai. Điều này dẫn tới những quan ngại về năng lực lãnh đạo của ông Powell.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Fed sau cuộc họp quyết định giảm lãi suất ngày 19/9 cho thấy thị trường lao động duy trì xu thế tăng trưởng mạnh, kinh tế tăng trưởng ở mức vừa phải. Fed thậm chí còn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay từ 2,1% lên 2,2% và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2020 là 2%. 
Nói cách khác, qua lăng kính của Fed, kinh tế Mỹ không những không có gì đáng ngại, động lực tăng trưởng còn có phần cải thiện và lạm phát vẫn duy trì dưới mục tiêu 2% nên không cần thiết phải giảm lãi suất mà đây chỉ là biện pháp phòng ngừa.  
Tuy nhiên, đối với thị trường, điều đó là chưa đủ. Bởi tình hình kinh tế-chính trị hiện nay chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Thực tế chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không biết khi nào mới "hạ hồi phân giải" khiến kinh tế đối mặt với hàng loạt nhân tố không xác định lớn chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, thị trường cần Fed đóng vai trò như một người cầm lái đưa con thuyền kinh tế vượt qua sóng gió. Tuy nhiên, thực tế dường như đã đi ngược với kỳ vọng.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là 2 ngày trước khi Fed hạ lãi suất, chi nhánh Fed tại New York đã phải liên tục bơm tiền vào thị trường tổng cộng 128 tỷ USD thông qua việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác. 
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Fed phải can thiệp bằng cách bơm vốn trên thị trường mở. Chủ tịch Fed Powell cho rằng hoạt động can thiệp này "hiệu quả trong việc giải tỏa áp lực vốn (vay qua đêm)" cho thị trường. 
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng xuất hiện tình trạng thiếu hụt tiền dự trữ khiến lãi suất cho vay qua đêm leo thang là do nhu cầu rút tiền tăng mạnh, bởi tháng Chín là cao điểm nộp thuế của các công ty Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ gần đây liên tục phát hành trái phiếu kho bạc để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách liên bang đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2019.
Ngoài ra, việc Fed trong mấy năm gần đây tiến hành thu hẹp bảng cân đối kế toán cũng khiến lượng tiền dự trữ sụt giảm, từ mức cao là 2.800 tỷ USD năm 2014 xuống còn khoảng 1.500 tỷ USD hiện nay.
Vấn đề ở chỗ tình trạng thiếu hụt tiền dự trữ và lãi suất cho vay qua đêm tăng mạnh đã gợi lại ký ức tồi tệ về năm 2008, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn bùng phát ở Mỹ và sau đó đã dẫn tới khủng hoảng tài chính thế giới. 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khủng hoảng sẽ không tái diễn ở thời điểm hiện nay vì các ngân hàng lớn của Mỹ đều đã cải thiện bảng cân đối kế toán và đang đạt lợi nhuận ấn tượng. Dẫu vậy, những quan ngại về khả năng kiểm soát của Fed đối với lãi suất ngắn hạn đang tồn tại. 
Sau khi Fed cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất, ngân hàng trung ương các nước như Indonesia, Brazil, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE)… cũng có động thái tương tự. Đối với Indonesia, đây là tháng thứ ba liên tiếp nước này cắt giảm lãi suất (0,25 điểm phần trăm/lần).
Trong trường hợp của Brazil, mức cắt giảm lên tới 0,5 điểm phần trăm, lớn gấp đôi của Mỹ, UAE và Indonesia, đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục ở nước này (5,5%). Trước đó, vào tháng 7/2019, Brazil cũng cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục