Ninh Bình xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn

10:24' - 23/03/2019
BNEWS Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản sạch, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn.
Cửa hàng nông sản an toàn tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN

Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản sạch, nâng cao ý thức của người sản xuất và tiêu dùng tại địa phương, những năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển chuỗi nông sản an toàn.

Hoạt động này vừa góp phần giúp mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Từ năm 2016, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã triển khai đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", qua đó triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ.

Tuy nhiên, nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn do chưa có nơi tiêu thụ nông sản ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản biến động khiến nông dân "được mùa mất giá".

Trước thực trạng đó, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các mô hình cửa hàng nông sản an toàn nhằm xây dựng chuỗi nông sản an toàn, kết nối giữa người tiêu dùng với nông dân sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.

Theo đó, các mô hình cửa hàng nông sản an toàn sẽ đáp ứng các điều kiện như kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa phải là nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có giá cả hợp lý; do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, phân phối và kinh doanh.

Nguồn hàng cung ứng tại cửa hàng đều phải có nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được nguồn gốc, hàng hóa phải có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng.

Theo Hội Nông dân tỉnh, để xây dựng các cửa hàng nông sản này, các cấp hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ một số hộ có nhu cầu mở cửa hàng nông sản về mặt bằng, kệ trưng bày hàng hóa, biển cửa hàng và giới thiệu nguồn thực phẩm an toàn tại các địa chỉ sản xuất nông sản an toàn tại địa phương.

Nhờ đó, sau 2 năm triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 12 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng nông sản an toàn tại 8 huyện, thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân, thành phố Ninh Bình, cho biết, may mắn của cửa hàng là được sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân tỉnh trong việc kết nối giữa người nông dân trực tiếp sản xuất đến chủ cửa hàng nên nhiều sản phẩm bán ra tại cửa hàng Sông Vân có nguồn gốc ở Ninh Bình, đảm bảo được sự tươi ngon cũng như cạnh tranh về giá cả.

Các sản phẩm này gồm rau xanh của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (Ninh Bình), thịt dê của Hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình; mắm tép Thủy Tới (huyện Gia Viễn); giò chả Hải Thơm (xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn); trứng của doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Thành Long (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh).

Ông Tiến cho biết thêm, so với thực phẩm bày bán tại các chợ truyền thống, sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều là những sản phẩm được kiểm tra định kỳ, được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng; sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đã trải qua quy trình chọn lọc khắt khe từ nguồn giống, quy trình sản xuất, chăn nuôi cho đến quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển nên người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn.

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã tạo nên mô hình nông sản khép kín được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được thụ hưởng lợi ích trên nền tảng quản lý chặt chẽ đó.

Trong chuỗi liên kết này, các đơn vị sản xuất sẽ được đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm và các quyền lợi trước những biến động của thị trường.

Các đơn vị kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm sẽ có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm định, cấp chứng chỉ; được hỗ trợ về vốn...

Người tiêu dùng khi đến với các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn này sẽ không quá lúng túng trước những mối nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục đẩy mạnh các mối liên kết giữa các hợp tác xã rau an toàn, chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa lẫn cung cấp ra thị trường trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ khảo sát và triển khai thêm nhiều cửa hàng khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản an toàn, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục