Những thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 3

08:44' - 03/08/2019
BNEWS Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3 đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề.
Các tàu thuyền cập bến tại cảng Cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề.

Trong đó, có 1 người chết do sạt lở đất là Vàng A Lâu, sinh năm 1986, trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, tại huyện Quan Hóa, theo báo cáo đã có 18 nhà bán kiên cố bị thiệt hại dưới 30%; 5,3 ha luồng bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 1 điểm trường bị thiệt hại.

Tại huyện Quan Sơn có 16 nhà bán kiên cố bị thiệt hại 1 phần...

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai.

Các địa phương nhanh chóng chỉ đạo đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng.

UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương đến chia buồn, động viên gia đình có người chết, đồng thời hỗ trợ gia đình số tiền 5,4 triệu đồng.

Để ứng phó với bão số 3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 11 yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời để người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán người dân đang sống tại khu vực nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo ản toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang.

Các cơ quan chức năng chỉ đạo vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn.

Các huyện, thị, thành phố kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng; chủ động thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu.

Ngành điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện.

Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động…../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục