Những thách thức đối với ông Boris Johnson trong vấn đề Brexit (Phần 2)

06:00' - 19/07/2019
BNEWS Các đồng minh của ông Boris Johnson khẳng định ông có kế hoạch sửa lại thỏa thuận ra đi của bà May – vốn đã bị Quốc hội Anh bác bỏ ba lần - để cho phép ông đạt được được sự ra đi có trật tự.
Một người biểu tình vẫy cờ Anh và EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Những đường nét về cái mà ông Johnson sẽ tìm kiếm trong cuộc đàm phán vào mùa Hè và đầu mùa Thu này nhằm sửa lại thỏa thuận của bà May mà không xé nát nó đang hiện ra. Các đồng minh của cựu Ngoại trưởng Anh này và các quan chức ở Brussels nói ông Johnson sẽ tìm kiếm một cơ chế ra đi từ phần dự phòng (một liên minh hải quan tạm thời giữa Vương quốc Anh và EU) trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bị đổ vỡ.

Bà May đã cố gắng và thất bại trong việc đạt được một cơ chế như vậy. Ông Johnson từng nhấn mạnh khi phát động chiến dịch tranh cử rằng “với một nhiệm vụ mới, một sự lạc quan mới, một quyết tâm mới”, ông có thể đạt được một thỏa thuận sửa đổi vào ngày 31/10.

Những người ủng hộ Johnson cho biết thời hạn hoàn thành một thỏa thuận thương mại Anh-EU có thể được nêu trong tuyên bố chính trị không ràng buộc, cùng những cam đoan với những người Bảo thủ hoài nghi châu Âu rằng Anh đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại lỏng lẻo kiểu Canada, chứ không phải theo phiên bản Na Uy, để Anh tương đối tự do về lập quy.

Một số người trong nhóm của ông Johnson tin rằng các nghị sĩ Bảo thủ và một số nghị sĩ đảng Lao động – vốn đã kiệt sức vì Brexit và ghế của họ đang bị đe dọa một phía từ đảng Brexit của ông Nigel Farage và phía khác là đảng Dân chủ Tự do thân EU - có thể chấp nhận ủng hộ một thỏa thuận đã được sửa đổi. Tháng 6 vừa qua, 8 nghị sĩ Công đảng đã cùng với chính phủ bỏ phiếu chống lại một động thái nhằm ngăn chặn thủ tướng Bảo thủ mới thực hiện Brexit không thỏa thuận, và 13 nghị sỹ Công đảng khác đã bỏ phiếu trắng.

Theo kịch bản này, Thủ tướng sắp tới có thể đạt được một thỏa thuận Brexit trước ngày 31/10, dành khoảng một năm để cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công - bằng việc tăng vay - và sau đó hứa hẹn với các cử tri về một tương lai tươi sáng hậu Brexit trong cuộc tổng tuyển cử.

Nhưng điều gì xảy ra nếu mọi thứ không diễn ra như thế? Điều gì sẽ xảy ra nếu Brussels từ chối cung cấp cho ông Johnson những gì ông cần để có một thỏa thuận sửa đổi được Quốc hội và các nghị sĩ Bảo thủ hoài nghi châu Âu thông qua? Khi đó ông Johnson sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc thực hiện đến cùng lời đe dọa Brexit không thỏa thuận của mình.

Ông đã hứa sẽ tăng cường chuẩn bị việc không có thỏa thuận để gây áp lực lên Brussels. Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, được cho sẽ là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông Johnson, đã hứa sẽ cấp một “khoản ngân sách khẩn cấp” để tiêm cho nền kinh tế một mũi adrenalin trước bất kỳ cú sốc nào.

Ông Barclay khẳng định “không thỏa thuận không phải là tận thế” khi nói hầu hết các quy định sẽ được áp dụng trong khi các nút thắt tiềm tàng xung quanh tuyến đường thương mại từ Dover đến Calais được giải quyết. Nhưng ông thừa nhận thật khó để dự đoán Brussels sẽ phản ứng thế nào trước khả năng Brexit không thỏa thuận đang dần hiện ra. 

Những người hoài nghi châu Âu bám vào niềm tin rằng EU sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ chính mình. Ông Barclay thừa nhận nhiều doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp đã phải vật lộn để chuẩn bị cho sự ra đi không thỏa thuận vào thời hạn 29/3, vẫn chưa sẵn sàng. Ông nói “Các doanh nghiệp đang bối rối về Brexit không có thỏa thuận. Chính phủ nói điều đó có thể xảy ra, nhưng Quốc hội nói sẽ không xảy ra. Chúng ta cần phải rõ ràng hơn rằng đây là một khả năng thực tế có thể xảy ra”.

Trong điều kiện thực tế, việc dự trữ hàng hóa trong các kho chỉ có thể dễ thực hiện trong tháng 3/2019, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều vào mùa Thu, khi các công ty đang phải tích trữ hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh, dịp Thứ Sáu Đen và nguy cơ gián đoạn do thời tiết.

Khi cả Brussels và Westminster sắp đóng cửa vào mùa Hè, những người ủng hộ châu Âu lo lắng rằng nếu ông Johnson trở thành thủ tướng, ông có thể chịu áp lực theo đuổi không thỏa thuận từ phía những người Bảo thủ hoài nghi châu Âu, thay vì tìm cách gia hạn để đàm phán thêm. 

Nỗi lo ngại của những người Bảo thủ thân châu Âu là ông Johnson bị chi phối bởi những thành viên cứng rắn của Nhóm nghiên cứu châu Âu. 

Nhưng nếu ông Johnson bị dồn vào chân tường, khi đó một cuộc tổng tuyển cử có thể là lựa chọn duy nhất của ông. Một kết quả như vậy sẽ không thể không có những nguy hiểm. Ông Hunt đã mô tả đó là “tự tử chính trị” và đối với ông Johnson, nó có thể đánh dấu một kết thúc bất ngờ cho sự nghiệp chính trị của ông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục