Những sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững

16:55' - 12/09/2019
BNEWS Chiều ngày 12/9, phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” đã chính thức khai mạc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Đây là Hội nghị do Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chủ đề Hội nghị này là mục tiêu xuyên suốt dựa trên sự chủ động, phát triển kinh tế tuần hoàn nhờ vào những phát kiến về khoa học công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời khó có thể thực hiện được những mục tiêu nếu thiếu sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng kỳ vọng có nhiều sáng kiến, khuyến nghị tiếp tục được gửi tới Chính phủ, các cấp, ngành để giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và sẽ biến thành những hành động thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 để trình Quốc hội trong thời gian tới.

 Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Chương trình Hội nghị tập trung làm rõ các nội dung liên quan tới các mô hình và sáng kiến phát triển bền vững nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; nâng cao chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất lao động xã hội; thúc đẩy đối tác công tư; phát triển doanh nghiệp xã hội; nâng cao chất lượng quản trị và áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSI)...
Các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giới thiệu, chia sẻ các công trình nghiên cứu, kinh nghiệm về cách thức sản xuất của nền kinh tế tuần hoàn, những đột phá về công nghệ nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đó không chỉ là những hành động bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nội dung các cam kết quốc tế và xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của Việt Nam.

Thủ tướng đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững; trong đó chủ động phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tiềm năng, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, bền vững. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu lấy con người làm trung tâm, chủ động phòng chống biến đổi khí hậu, chăm lo đời sống nhân dân, giảm nhẹ thiên tai, quan tâm thỏa đáng tới đồng bào dân tộc thiểu số.


Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Phó Chủ tịch nêu rõ 6 yêu cầu tới đây cần phải thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là hoàn thiện thể chế, rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan tới vấn đề môi trường; xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hướng tới sự hài hòa và chú trọng lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững; nhận diện những nguyên nhân để khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn nội tại.
Quốc hội sẽ thực hiện giám sát định kỳ thông qua tổ chức khảo sát thực tế tại địa phương; tăng cường phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan chức năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; phát huy cơ chế hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đã gửi tới Chính phủ, các cấp, ngành 5 sáng kiến cụ thể để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đó là sớm xây dựng Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; phát động sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; triển khai các Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; tiến hành Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; triển khai xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Chủ tịch VCCI đề nghị Quốc hội ban hành Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ sớm có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm đối với việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn.

VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam./.

>>> Doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài tư duy kinh tế tuần hoàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục