Những người tiên phong trồng tỏi sạch ở Lý Sơn

18:03' - 26/01/2020
BNEWS Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, góp phần cải thiện môi trường sống, một số thanh niên huyện đảo Lý Sơn đã tiên phong, mạnh dạn sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ.

Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vốn được mệnh danh là “Vương quốc hành tỏi”. Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, góp phần cải thiện môi trường sống, một số thanh niên huyện đảo đã tiên phong, mạnh dạn sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ.
Đó là mô hình trồng tỏi theo hướng hữu cơ của anh Đặng Quang Trọng (34 tuổi), xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Quy trình sản xuất là chỉ dùng phân chuồng bón lót, mùn rác hữu cơ từ nhà máy rác sinh hoạt. Điều đặc biệt ở mô hình này là để nguyên cỏ dại, cỏ chỉ được loại bỏ khi mọc cao hơn ngọn cây tỏi.

Theo anh Trọng, cỏ dại được giữ lại nhằm đảm bảo độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại tỏi. Đây cũng là cách mà anh Trọng phục hồi lại môi trường đất và tạo cân bằng môi trường sinh thái cho ruộng tỏi của mình. Qua 3 năm trồng tỏi theo hướng hữu cơ, đến nay, anh Trọng đã thành lập Công ty Cổ phần Vipas và tạo việc làm ổn định cho 5 lao động.

Anh Trọng chia sẻ: Đây là mô hình trồng tỏi theo phương pháp hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, anh Trọng hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học. Thay vào đó, anh tận dụng những sản phẩm hữu cơ mà đất đảo Lý Sơn có sẵn như rong biển, mùn rác hữu cơ từ nhà máy rác sinh hoạt của huyện.

Sản xuất theo hướng hữu cơ, chắc chắn tỏi sẽ bị sâu bệnh, năng suất cây chỉ đạt 60-70% so với cách sản xuất sử dụng các loại thuốc hóa học. Nhưng bù lại, giá thành lại cao gấp 3 lần và người tiêu dùng luôn tin tưởng.
Huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 mô hình sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 3 ha, do thanh niên làm chủ. Để tạo nên nông sản sạch, mỗi mô hình phải mất ít nhất 2 năm canh tác trong điều kiện năng suất thấp để phục hồi lại đất và môi trường sinh thái. Những người trẻ đang dồn hết tâm sức để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch trên đất đảo.
Anh Nguyễn Văn Nhật, xã An Vĩnh cho biết: “Tỏi Lý Sơn đã được người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố biết đến. Tuy nhiên, nhiều người rất lo sợ khi trong quá trình chăm sóc, người dân sử dụng quá nhiều loại thuốc hóa học. Do đó, tôi mong muốn sẽ góp phần tạo ra được một nguồn tỏi sạch vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng lại cải thiện được môi trường đất, không khí của hòn đảo tiền tiêu này.

Điều may mắn đối với những người trồng tỏi sạch là những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Do đó, họ luôn tìm mua những sản phẩm sạch, uy tín, an toàn cho sức khỏe, chúng tôi không còn gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm sạch dù sản phẩm này giá cao hơn các sản phẩm khác”.
Không chỉ sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ, thanh niên ở Lý Sơn còn liên kết với các hộ dân và doanh nghiệp trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ hành tỏi đạt chuẩn VietGAP nhằm tạo niềm tin, khẳng định thương hiệu, giá trị cây tỏi. Nhằm phát triển thương hiệu cây tỏi, chính quyền huyện Lý Sơn đang xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch để người dân và doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho những người trồng tỏi sạch phát triển thương hiệu sản phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng, chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo điều kiện cho những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mà cụ thể là cây tỏi, hành. Huyện đã yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch; đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo.
Mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp không dùng cát trắng, các sản phẩm hóa học, thanh niên ở Lý Sơn đã và đang thực hiện giấc mơ bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hành tỏi của quê hương mình đối với người tiêu dùng./.

>>> Xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục