Những lựa chọn hứa hẹn của Tổng thống Indonesia để thúc đẩy đầu tư

06:30' - 05/11/2019
BNEWS Chìa khóa để duy trì tăng trưởng kinh tế của Indonesia, trong khi khắc phục thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn là thu hút dòng vốn lớn hơn của cả danh mục đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa). Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết cho hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa công bố Nội các mới cho nhiệm kỳ thứ hai, giai đoạn 2019-2024. Khoảng 45% thành viên Nội các mới là từ liên minh của Tổng thống Jokowi, trong khi phần còn lại là các nhà kinh tế, chính trị và các chuyên gia.

Thành phần Nội các mới là sự kết hợp giữa các chuyên gia và chính trị gia, bao gồm cả đối thủ trong cuộc đua cho chức Tổng thống trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Prabowo Subianto, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và người sáng lập Gojek, ông Nadiem Makarim được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. 

Ông Luhut Pandjaitan giữ vai trò là Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải, được giao thêm trách nhiệm giám sát đầu tư. Ông Luhut cũng đã khẳng định sẽ tham gia vào các nỗ lực tăng cường sử dụng hỗn hợp diesel sinh học B20 và B30 để giảm nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên cũng như để tạo thuận lợi cho đầu tư hóa dầu.

Có vẻ hơi kỳ quặc khi hợp nhất danh mục đầu tư với các vấn đề hàng hải. Ở hầu hết các quốc gia khác, cơ cấu tổ chức các vấn đề đầu tư xứng đáng là một bộ độc lập hoặc ít nhất là hợp nhất với các vấn đề đối ngoại, kế hoạch nhà nước hoặc thương mại.

Tuy nhiên, như Tổng thống Jokowi nhắc lại, đầu tư tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ông, với trọng tâm là bãi bỏ quy định và khắc phục tệ quan liêu. Nhằm mục đích thúc đẩy cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, rõ ràng ông Jokowi đã chọn một trong những đồng minh đáng tin cậy của mình để giám sát, phối hợp và thúc đẩy các nỗ lực để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều này đến vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu, trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia đã chậm lại do năng suất thấp hơn và thiếu lao động lành nghề, tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi nhu cầu liên tục tăng lương tối thiểu quá mức. Ngân hàng Thế giới cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia trong năm 2020 từ 5,2% xuống 5%.

Chìa khóa để duy trì tăng trưởng kinh tế của Indonesia, trong khi khắc phục thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn là thu hút dòng vốn lớn hơn của cả danh mục đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chi phí lao động trong nước tăng và các quy trình pháp lý phức tạp sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào Indonesia.

So với các nước láng giềng, Indonesia xếp hạng khá thấp về dòng vốn FDI. Mức trung bình toàn cầu là 2,7% GDP, trong khi ở Indonesia chỉ là 1,9% GDP. Rõ ràng, có nhiều việc phải làm và cơ hội để nắm bắt, điều này liên quan đến mức độ hấp dẫn của Indonesia đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cải cách quy định và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính quan liêu là cần thiết. Vừa qua đã có những dấu hiệu về sự cải tiến, nhưng điều đó vẫn chưa được thực hiện. Ví dụ, Ban điều phối đầu tư (BKPM) chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư bằng cách hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Indonesia cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên của Indonesia ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, khi bắt tay vào hành động hoặc đẩy nhanh quá trình cấp phép đầu tư ở các bộ liên quan, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan quản lý khác, BKPM dường như cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. 

BKPM không có quyền đóng vai trò là người khắc phục sự cố. Nó chỉ đơn giản là không có thẩm quyền để hướng dẫn các bộ khác để tiến hành các quy trình. Với sự phức tạp của các quy tắc đầu tư của Indonesia, Tổng thống Jokowi dường như đã nhận ra một số điểm chính của việc đưa vốn FDI vào quốc gia.

Mặc dù nhiều thông tin được mong đợi từ ông Luhut Pandjaitan liên quan đến trách nhiệm mới, nhưng rất có khả năng ông Luhut sẽ có thể hỗ trợ rất nhiều cho BKPM trong việc phối hợp liên ngành. 

Ngoài ra, sức mạnh tổng hợp tiềm năng giữa người đứng đầu BKPM mới được bổ nhiệm, ông Bahlil Lahadalia và ông Luhut Pandjaitan có thể có kết quả. 

Ông Bahlil là một doanh nhân dày dạn và thành đạt từ một khởi đầu khiêm tốn ở Papua, một người giao tiếp tốt và đóng một vai trò quan trọng trong nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Jokowi. Trong khi đó, ông Luhut Pandjaitan là một tướng quân đội đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm, với mối quan hệ rộng khắp trên toàn cầu cả trong khu vực tư nhân.

Rõ ràng, hy vọng BKPM và Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư sẽ tăng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ chốt. Đặc biệt sẽ có nhiều vốn FDI chảy vào lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên để xây dựng các nhà máy lọc dầu, từ đó cung cấp các khả năng và cơ hội mới để chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm tinh chế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục