Những lễ hội chọi trâu trên cả nước

12:50' - 04/07/2017
BNEWS Lễ hội chọi trâu được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những lễ hội tồn tại lâu đời, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều lễ hội chọi trâu chỉ mới được mở ra trong vòng chục năm trở lại đây trên nhiều tỉnh của Việt Nam. 

Những lễ hội chọi trâu có nguồn gốc lâu đời

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Theo sách Lịch sử Người Hà Nội của nhà văn Hà Ân, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có ít nhất từ thời nhà Trần.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, cộng đồng địa phương lập đền thờ, tên gọi đền Bà Đế. Nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá.

Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức Lễ hội chọi Trâu. Những con trâu thắng được mang ra biển cúng tế Bà Chúa.

Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến. Về sau, khi xã hội phát triển, việc hiến sinh được thay thế bằng hiến sinh con vật.

Hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Hải Quan

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người. Chính vì thế, người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Lễ hội này được mở hàng năm vào ngày 16-17 tháng giêng.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thể thao Văn hóa

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên được tổ chức vào các ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc dịp đầu xuân luôn thu hút hàng vạn người về tham dự.

Tương truyền lễ hội chọi trâu Hàm Yên đã có từ rất lâu đời song trải qua những biến cố, thăng trầm nên có một thời gian dài gián đoạn. Vài năm trở lại đây, lễ hội này mới được khôi phục lại.

Vào những ngày diễn ra lễ hội, hàng vạn người đã đổ về sân vận động trung tâm của huyện để được tận mắt chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và quyết liệt.

Theo đúng phong tục của người dân bản địa, sau giải đấu, con trâu chiến thắng đã được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục.

Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (phục hồi từ năm 2009)

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh không biết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội được tổ chức tại chợ Hàm Rồng (thuộc địa phận làng Cão, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vào hai ngày chợ phiên, 5/5 và 10/10 âm lịch hàng năm.

Trải qua hơn 60 năm gián đoạn, lễ hội đã được UBND huyện Phù Ninh khôi phục lại vào năm 2009 và tổ chức vào khoảng giữa tháng 2 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thuyết, khi vua Hùng và các tướng lĩnh đi săn qua chợ Hàm Rồng thì thấy hai con hổ đang đánh nhau. Vua liền sai các tướng giết hổ mổ thịt khao quân.

Từ đó, để tưởng nhớ vua Hùng và các tướng lĩnh, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ, hàng năm, cứ vào 2 ngày chợ phiên, người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội chọi trâu. Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia thi đấu, dù thắng hay thua đều bị sát sinh để cúng tế thần linh.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh không những là lễ hội cổ xưa, mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương mà còn là lễ hội của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện ở tục lệ gắn biểu tượng con trâu với tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho “mưa thuận, gió hoà”, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.

Các lễ hội chọi trâu ăn theo

Ngày 30/1/2016, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Trịnh Thị Thủy cho biết, các hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh) và Bảo Thắng (Lào Cai) do một cơ quan báo chí tổ chức 2-3 năm qua không phải là lễ hội truyền thống của địa phương. 

Các hội, lễ hội này không gắn với việc tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc hay mang tính nhân văn, ngược lại còn có tính thương mại, mang lại lợi ích cho nhà tổ chức khi tổ chức bán vé, trâu chọi xong thường bị thịt bán với giá đắt. Các hoạt động cá cược, cờ bạc... cũng trá hình tồn tại.

>>>Lễ hội đấu bò đẫm máu gây chia rẽ Tây Ban Nha

>>>Sẽ xem xét cụ thể việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục