Những bất thường trong quan hệ kinh tế Trung Quốc-Nam Phi

06:30' - 12/10/2019
BNEWS Trang mạng dailymaverick.co.za vừa đăng bài phân tích của Peter Fabricius, chuyên gia tư vấn cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi, về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nam Phi.

Theo nội dung bài viết, trong bài phát biểu tại buổi tiệc chiêu đãi tuần trước ở Pretoria để kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Lin Songtian đã tán dương rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Cyril Ramaphosa, Nam Phi đang đón đầu một kỷ nguyên mới của “sự phát triển và đổi mới”. Theo ông Lin, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ những thành quả của sự phát triển và thị trường rộng lớn với Nam Phi, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, cùng nhau nỗ lực để trở thành đầu tàu và nền tảng sản xuất cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa của châu Phi, cũng như đạt được sự hợp tác cùng có lợi cho sự phát triển chung, nhằm mang lại lợi ích cho đất nước và người dân hai nước.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg ngày 27/7. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

 Tuy nhiên, trong hầu hết các tuyên bố gần đây, ông Lin đã phát đi thông điệp cứng rắn hơn, rằng nếu Nam Phi muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc hay bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào khác, thì quốc gia miền Nam châu Phi này cần phải hồi sinh nền kinh tế trì trệ, phải cải tạo cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc khôi phục quản trị các doanh nghiệp nhà nước.

 Về bản chất, Lin đã chỉ ra rằng Nam Phi có tiềm năng lớn nhưng không hiện thực hóa được tiềm năng này. Đó không phải là một quan sát ban đầu mà là hiếm, có lẽ là duy nhất, khi thông điệp này được tuyên bố công khai bởi một nhà ngoại giao nước ngoài.

 Tại hội thảo hồi tháng 4/2019 tại Pretoria, ông Lin đã nói rõ rằng Trung Quốc đang mất dần kiên nhẫn để Nam Phi tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - dự án khổng lồ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các hành lang phát triển phức tạp, trong đó có một phần của châu Phi.

 Lin lưu ý dù đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để tham gia BRI, Nam Phi vẫn chưa thực hiện bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào trong khuôn khổ BRI. Tuy nhiên, với vị trí nằm giữa hai đại dương, hệ thống tài chính, tư pháp và cơ sở hạ tầng tiên tiến, Nam Phi là điểm lý tưởng để trở thành cửa ngõ chính của châu Phi, cũng như cơ sở sản xuất cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp của lục địa. Do đó, Nam Phi có thể trở thành quốc gia thí điểm điển hình mà BRI cần ở châu Phi.

 Trung Quốc đã xây dựng và tài trợ cho tuyến đường sắt từ thủ đô Addis Ababa của quốc gia không giáp biển Ethiophia tới cảng ở Biển Đỏ của Djibouti và tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi (Kenya), cũng như tuyến đường kéo dài từ Nairobi đến Uganda và Rwanda đang được lên kế hoạch.

  “Giấc mơ” của Đại sứ Trung Quốc là một hành lang lớn thứ ba ở châu Phi sẽ được xây dựng tại Nam Phi, nối tỉnh Limpopo (phía cực Bắc, giáp Zimbabwe) với Johannesburg, kéo dài đến bờ biển tại các cảng Durban và Vịnh Richards (cảng biển tự nhiên sâu nhất châu Phi). Hành lang thứ ba này sẽ là dự án BRI mở đầu hoàn hảo cho Nam Phi. Lin cũng khẳng định rõ rằng việc xây dựng hành lang này sẽ là lợi ích kinh tế của riêng Trung Quốc bởi vì dự án sẽ tăng tốc vận chuyển đồng từ mỏ PMC gần thị trấn Phalaborwa của Limpopo (Trung Quốc đang khai thác) ra thị trường.

Lin lưu ý rằng ban đầu, PMC thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn khai thác mỏ đa quốc gia Anglo-Australia lớn nhất thế giới Rio Tinto. Sau khi Rio Tinto đóng cửa PMC, một tập đoàn của Trung Quốc đã mua lại mỏ này vào năm 2013, giúp Nam Phi tránh được 5.000 lao động bị thất nghiệp. Thông qua đầu tư vào công nghệ mới, công ty Trung Quốc đã kéo dài thời gian khai thác của PMC đến năm 2038.

 Đại sứ Trung Quốc cho biết việc vận chuyển sản phẩm từ mỏ PMC là một thách thức lớn: "Tôi rất tiếc phải nói rằng đường sắt mà các bạn có đã quá cũ và quá chậm”. Do đó, các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào PMC, thì hiện đang phải thận trọng với khoản đầu tư, bởi chất lượng dịch vụ đường sắt cũ, chậm và việc cung cấp điện không ổn định. Tình trạng kém hiệu quả cũng đang diễn ra tại cảng Durban (cảng lớn nhất và có lưu lượng tàu thuyền cập bến lớn nhất tại khu vực phía Nam Sahara châu Phi).

 Sự quan ngại ngày càng tăng của Trung Quốc về tệ quan liêu trong các doanh nghiệp nhà nước Nam Phi. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã đình chỉ giải ngân khoản vay trị giá 500 triệu USD đầu tiên trong gói 2,5 tỷ USD cho Công ty điện lực nhà nước Nam Phi Eskom. Điều này buộc Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni phải sử dụng nguồn tài trợ khẩn cấp duy trì hoạt động của Eskom - huyết mạch kinh tế Nam Phi. Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Chris Yelland cho rằng lý do thực sự là do CDB quan ngại rằng Eskom cần tài chính để duy trì hoạt động, trong khi Trung Quốc dành khoản vay trên là để tài trợ cho phát triển vốn.

 Lin sau ngầm xác nhận cách giải thích của nhà phân tích Chris Yelland bằng việc tuyên bố rằng CDB (giống như các nhà đầu tư Trung Quốc ở mỏ PMC) quan ngại về khả năng trả nợ của Eskom. Tháng 8 vừa qua, trao đổi với hãng Reuters, ông Lin cho rằng “Eskom là một bẫy nợ” bởi Trung Quốc đã cho công ty này vay một số lần, do đó Bắc Kinh rất thận trọng. Vấn đề của Eskom không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là cơ chế hoạt động, quản lý và năng lực. Người phát ngôn của Eskom, Nto Rikhotso, cho biết khoản vay đầu tiên 500 triệu USD của CDB bị trì hoãn hồi tháng 3 vừa rồi, đã được giải ngân nhưng vẫn ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính tiếp theo như đã thống nhất giữa hai bên.

 Lin cũng cho biết dù đã khuyến khích sự bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước châu Phi khác trong thập kỷ qua, nhưng Trung Quốc vẫn không thực hiện bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào ở Nam Phi. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm không chỉ khái niệm đơn thuần về một dự án hoặc ưu đãi của Chính phủ Nam Phi, hay về giảm thuế. Trung Quốc muốn có được các điều kiện đầu tư thuận lợi và được quy định trong luật đầu tư do Quốc hội Nam Phi phê chuẩn, cũng như các nghiên cứu khả thi có khả năng trấn an Chính phủ và các ngân hàng Trung Quốc về khả năng sinh lời và tính bền vững của các dự án.

 Đại sứ Trung Quốc cho biết Tổng thống Cyril Ramaphosa là “niềm hy vọng cuối cùng” đối với nền kinh tế Nam Phi. Nhưng để hiện thực hóa hy vọng đó, Tổng thống Ramaphosa sẽ phải biến các khái niệm và chính sách khuyến khích thành luật và cơ sở hạ tầng cụ thể.

 Khi được hỏi liệu ông còn lo ngại về năng lực quản trị của Nam Phi, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhà nước như Eskom, hay đã cảm nhận được Nam Phi bắt đầu giải quyết những thiếu sót này, Đại sứ Trung Quốc cho biết mọi người đều hiểu rằng các doanh nghiệp nhà nước là chìa khóa để hỗ trợ phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là ở Trung Quốc và Nam Phi.

Nếu vững mạnh, các SOE sẽ rất có lợi và hỗ trợ tốt cho sự phát triển bền vững. Lin chắc chắn rằng Tổng thống Ramaphosa và Chính phủ Nam Phi đang rất chú ý đến cải cách các doanh nghiệp nhà nước và sẽ hồi sinh các SOE của nước này để sẵn sàng cho bước nhảy lớn về phát triển.

 Theo ông Lin, Trung Quốc rất tin tưởng vào Nam Phi, vì đất nước Cầu Vồng có 3 thế mạnh riêng để phát triển, gồm tài nguyên phong phú, vị trí địa lý chiến lược và cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Nam Phi đang đối mặt với một số thách thức trong các lĩnh vực đường sắt, điện,... Do đó, nếu Nam Phi muốn phát triển, nước này không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc đặt các doanh nghiệp nhà nước vào vị trí chuẩn bị sẵn sàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục