Nhu cầu lớn về thịt và hải sản gây nguy hại tới môi trường

10:43' - 04/09/2018
BNEWS Nhu cầu tiêu thụ thịt và hải sản tăng cao tại châu Á trong 3 thập kỷ tới được cho là sẽ làm tăng mạnh lượng khí thải nhà kính và việc sử dụng chất kháng khuẩn trong thực phẩm.
Nhu cầu lớn về tiêu thụ thịt tại châu Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo một báo cáo công bố ngày 4/9 của Công ty tư vấn Asia Research and Engagement có trụ sở tại Singapore, tốc độ tăng của dân số và mức thu nhập, cùng với quá trình đô thị hóa sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt và hải sản tăng tới 78% trong giai đoạn 2017-2050.

Với các chuỗi cung ứng đẩy mạnh hoạt động để theo kịp nhu cầu trên, phát thải khí CO2 sẽ tăng từ 2,9 tỷ tấn/năm lên 5,4 tỷ tấn/năm, tương đương với lượng khí thải của 95 triệu xe ô tô. Bện cạnh đó, diện tích phục vụ sản xuất thực phẩm sẽ mở rộng lên tương đương diện tích Ấn Độ, trong khi lượng nước sử dụng sẽ tăng từ 577 tỷ m3/năm lên 1.054 tỷ m3/năm. Việc sử dụng c

ác chất chống vi khuẩn trong thực phẩm sẽ tăng 44% lên 39.000 tấn/năm.
Bà Serena Tan, một tác giả của công trình nghiên cứu, nhấn mạnh dân số đông và tốc độ tăng dân số nhanh chóng sẽ tác động nguy hiểm tới môi trường, và việc nhận thức rõ mối đe dọa này cùng nguyên nhân của nó có thể giúp tìm ra giải pháp.

Theo chuyên gia này, các nhà sản xuất thực phẩm có thể tăng hiệu suất bằng cách tận dụng nguồn nước mưa, sử dụng thức ăn chăn nuôi bền vững và sử dụng khí đốt sinh học từ gia súc.

Trong khi đó, chính quyền, người tiêu dùng và giới đầu tư có thể tạo áp lực đối với các hãng sản xuất và chuỗi nhà hàng để giới hạn việc sử dụng các chất kháng khuẩn trong nguồn thịt.

Trước đó, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo tình trạng lạm dụng và sử dụng không đúng cách các chất chống vi khuẩn trong thực phẩm đang nổi lên tại khu vực Đông Nam Á, gây nguy hại tới sức khỏe con người và động vật.

Theo báo cáo mới, Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar và Pakistan là những nước được dự đoán sẽ đi đầu về tiêu thụ thịt và hải sản, trong khi các nước có dân số già như Trung Quốc sẽ không có thay đổi đáng kể./.

>>>Tôm và bào ngư bị giám sát nhập khẩu vào Mỹ kể từ 31/12/2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục