Nhìn từ các mô hình liên kết hiệu quả

06:01' - 11/12/2016
BNEWS Theo mô hình liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Ảnh minh họa: TTXVN.

Liên kết luôn là lựa chọn và là chìa khóa thành công của nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, cũng như xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đã được vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2016.

Sự kiện này do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp cùng một số bộ ngành tổ chức mới đây.

Thực tế của Vingroup, tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, đã chứng minh điều đó.

Theo mô hình liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Nông dân sẽ là mắt xích trong chuỗi giá trị ấy, với vai trò nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ.

Với mô hình này sẽ rất dễ thành công, nếu doanh nghiệp có vốn lớn, có thương hiệu uy tín và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp đang triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”.

Theo đó, doanh nghiệp liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân. Thông qua liên kết, Vingroup không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho hệ thống siêu thị Vinmart của tập đoàn, mà còn nhân rộng phong trào trồng rau sạch, an toàn cho nông dân cả nước.

Với quan điểm xây dựng tư duy sản xuất hiện đại, bài bản và hiệu quả cho nông dân, Công ty đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống cho nông dân. Đồng thời, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước khi thu hoạch.

Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, Vingroup đã cắt giảm tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường tiêu thụ.

Ông Hiệp cho biết thêm, trong năm đầu tiên chính thức triển khai chương trình này, Vingroup đã dành 300 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, các hộ nông dân nếu đảm bảo đủ điều kiện quy mô sản xuất tối thiểu trên 1ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn.

Trong đó, công ty dành ưu tiên cho những hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng, miền.

Nằm trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2016 và được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2016, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CPV) lại thực hiện liên kết sản xuất theo mô hình Feed – Farm – Food.

Theo đó, công ty tiến hành chuyển giao công nghệ chăn nuôi khép kín và năng suất cao cho người chăn nuôi Việt Nam theo hình thức chăn nuôi hợp đồng. Bằng liên kết này, CPV đã hợp tác với nông dân phát triển hơn 3.000 trang trại chăn nuôi trên toàn quốc, tạo việc làm cho khoảng 400.000 lao động.

Điểm đặc biệt, là doanh nghiệp không chỉ khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự chủ trong hoạt động chăn nuôi, mà còn mở ra cơ hội để họ thực sự trở thành khách hàng của doanh nghiệp.

VinEco đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trợ lý Phó Tổng giám đốc, Công ty CPV, cho biết, liên kết sản xuất với người nông dân là phần quan trọng trong chuỗi mắt xích Feed – Farm – Food, mà nhờ đó CPV đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất thực phẩm an toàn.

Với chủ trương đảm bảo hài hòa lợi ích của đất nước, cộng đồng và doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, CPV đã đầu tư hiệu quả về vốn, kỹ thuật chăn nuôi nhằm phát triển các nông trại xanh.

Cùng với đó, ký kết hợp tác sản xuất và cung cấp đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ nông dân tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và tạo thêm nguồn sản xuất lương thực…

Đi lên từ mô hình liên kết, đến nay, CPV đã có 1 nhà máy sơ chế ngô làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc – gia cầm và 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với tổng công suất 3,8 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế của CPV cũng đã được đầu tư xây dựng và mở rộng mạng lưới ở Đồng Nai, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Hà Nội…

Đánh giá tính hiệu quả của các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Tổng thư ký, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, cho rằng, với mục tiêu tăng cường tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự hỗ trợ, hợp tác với các nông hộ.

Sự hợp tác thông qua việc tư vấn, tài chính và áp dụng công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi mô hình theo hướng bền vững, giúp nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời, tự xây dựng kênh quảng bá sản phẩm của mình với các bạn hàng trong nước và quốc tế.

Đó là điều quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Những mô hình liên kết như vậy rất cần được thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới, ông Vinh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục