Nhìn lại thị trường dầu mỏ thế giới năm 2018

15:24' - 06/01/2019
BNEWS Tuy nhiên, tính chung cả năm 2018, giá dầu thô WTI đã giảm gần 25%, trong khi giá dầu Brent giảm gần 20% so với năm trước đó.
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá dầu thế giới trong tuần đầu năm 2019 (kết thúc ngày 4/1) đã phục hồi đi lên, với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hợp đồng giao tháng 2/2019 tăng 5,8% và giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 9,3%.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2018, giá dầu thô WTI đã giảm gần 25%, trong khi giá dầu Brent giảm gần 20% so với năm trước đó.

Trong tuần trước đó (kết thúc ngày 28/12/2018) giá dầu thế giới đã giảm nhẹ. Theo đó, giá dầu WTI giảm 0,57%, giao dịch ở mức 45,33 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 3,01% và chốt phiên cuối tuần ở mức 52,20 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2018, giá dầu thế giới phục hồi đi lên trong bối cảnh các tín hiệu tích cực về triển vọng thương mại quốc tế.

Giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 0,08 USD và 0,59 USD mỗi thùng, lên mức 45,41 USD/thùng và 53,80 USD/thùng.

Trong quý IV/2018, giá dầu WTI và Brent đều giảm hơn 1/3, mức sụt giảm nhiều nhất kể từ quý IV/2014.

Sau khi đóng cửa nghỉ Năm mới ngày 1/1, thị trường dầu mỏ mở cửa trở lại trong ngày 2/1 với sự hậu thuẫn của sắc xanh trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc được công bố trước đó đã làm gia tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (3-4/1), thị trường dầu liên tục khởi sắc, trước những dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang triển khai việc cắt giảm sản lượng dầu thô và tín hiệu lạc quan về thị trường việc làm của Mỹ.

Theo một khảo sát của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 12/2018 đã giảm mạnh nhất trong gần hai năm, với sự khởi động cắt giảm sản lượng sớm của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của tổ chức này là Saudi Arabia.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Iran và Libya cũng giảm ngoài dự kiến.

Thị trường dầu mỏ ngày 4/1 đã có phản ứng tích cực trước thông tin Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận một phái đoàn quan chức thương mại từ Mỹ sẽ có cuộc họp với những người đồng cấp Trung Quốc vào ngày thứ Hai và thứ Ba tới (7-8/1), đánh dấu lần đầu tiên hai bên tiến hành đàm phán kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thương mại trong 90 ngày hồi tháng trước.

Cũng trong ngày 4/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 7.000 thùng, lên 441,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/12/2018, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 4,5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Báo cáo của EIA cũng cho biết lượng giàn khoan dầu hoạt động khai thác ở Mỹ tính theo tuần (tính đến ngày 4/1) đã giảm 8 giàn, xuống còn 877 giàn hoạt động.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu thô vẫn bị hạn chế phần nào bởi những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

Thêm vào đó, số liệu mới nhất về hoạt động chế tạo kém lạc quan của Mỹ cũng làm thị trường thêm lo ngại về "sức khoẻ" của nền kinh tế.

Tính chung cả năm 2018, giá dầu WTI và dầu Brent đều kết thúc năm với giá thấp hơn thời điểm đầu năm.

Cụ thể, giá dầu WTI kết thúc năm ở mức 45 USD/thùng, thấp hơn 15 USD/thùng so với khởi điểm đầu năm 2018, trong khi giá dầu Brent ở mức 54 USD/thùng, thấp hơn 13 USD/thùng so với đầu năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục