Nhiều yếu tố tác động tới quyết định lãi suất của Fed

15:54' - 25/09/2018
BNEWS Nhiều yếu tố được đánh giá sẽ tác động tới quá trình hoạch định chính sách của ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó có căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Trụ sở Fed tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang căng thẳng khi hai bên liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau có thể sẽ là yếu tố tác động tới quá trình hoạch định chính sách của ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fef).

Trên đây là nhận định của giới chuyên gia đưa ra trước thềm cuộc họp trong hai ngày 25-26/9 của Ủy ban Thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng tại cuộc họp này, Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ ba trong năm nay nhằm ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần thứ 8 Fed nâng lãi suất kể từ năm 2015, sau khi giữ tỷ lệ này ở mức thấp kỷ lục trong 7 năm (từ năm 2008), thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng tình hình căng thẳng thương mại leo thang có thể đặt ra nguy cơ đối với kinh tế Mỹ. Vì vậy, không loại trừ khả năng Fed có thể sớm làm chậm lại tiến trình nâng lãi suất.

Nhiều nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy yếu vào năm tới, do tác động của các vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada, châu Âu và các đối tác thương mại khác.

Chính sách áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ làm tăng giá các mặt hàng chủ chốt và có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản này, Fed sẽ làm chậm lại tiến trình tăng lãi suất và có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019.

Trong khi đó, một số nhà phân tích lạc quan cho rằng động lực tăng trưởng từ gói kích thích kinh tế của chính phủ sẽ giúp duy trì sự vững mạnh của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp đứng ở 3,9%, mức thấp nhất trong 50 năm.

Trong trường hợp thị trường việc làm thắt chặt, tốc độ tăng lương và lạm phát sẽ thúc đẩy Fed siết lại chính sách tín dụng, để đảm bảo kinh tế không phát triển quá nóng.

Giới chuyên gia cảnh báo sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hai nước nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Trong báo cáo mang tiêu đề "Bất ổn gia tăng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu" công bố ngày 20/9, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng, xuất phát từ các chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ ảnh hưởng tới thương mại thế giới.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua.

Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng cảnh báo căng thẳng thương mại đang làm gia tăng bất ổn, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi khi để lại những tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hai nước nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu Ifo (Đức) cùng Viện Kinh tế KOF Thụy Sĩ và Viện Istat (Italy) công bố một báo cáo chung, trong đó nhận định chính sách thương mại của Mỹ có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế.

Báo cáo nêu rõ các chuyên gia nghiên cứu coi chính sách thương mại Mỹ đang theo đuổi là một “rủi ro". Theo báo cáo này, việc Fed tăng lãi suất cũng là một nguy cơ tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính rộng khắp tại các nền kinh tế mới nổi./.

>>>Kịch bản lãi suất của Fed có thể thay đổi do căng thẳng thương mại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục