Nhiều ý kiến trái chiều quanh phương án quy hoạch cảng biển tại Đà Nẵng

21:51' - 07/11/2019
BNEWS Nội dung chính tại hội thảo "Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP Đà Nẵng"được giới chuyên môn thảo luận là có nên xây mới Cảng Liên Chiểu hay chỉ cần đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa hiện tại?

Chiều 7/11, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra hội thảo "Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đơn vị tư vấn, quy hoạch trong và ngoài nước, các lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng. Nội dung chính được giới chuyên môn thảo luận là: có nên đầu tư xây mới Cảng Liên Chiểu hay chỉ cần đầu tư mở rộng Cảng Tiên Sa hiện tại?
Theo đề xuất của Công ty Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn chính thức của thành phố Đà Nẵng, chỉ nên mở rộng Cảng Tiên Sa và không phát triển Cảng Liên Chiểu, vì việc đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ phải thực hiện một loạt các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng... Các hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loại động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thượng nguồn sông Cu Đê, khu vực Hòa Bắc, Hòa Ninh.
Cũng theo đơn vị tư vấn Singapore này, nếu hình thành Cảng Liêu Chiểu sẽ kéo một lượng lớn tàu thuyền ra vào, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng, làm ảnh hưởng xấu đến việc phát triển du lịch khu phía Nam đèo Hải Vân. Việc hình thành cảng nước sâu này sẽ bắt buộc phải bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi phục vụ cho hoạt động của cảng.
Việc giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tác động đến đời sống của người dân nằm trong phạm vi dự án. Hoạt động của các tàu thuyền tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa đến cảng và ngược lại cùng với số lượng lớn công nhân sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đời sống của người dân khu vực Liên Chiểu.
Tại hội thảo, các đại biểu có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này của đơn vị tư vấn Surbana Jurong. Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Đà Nẵng, hiện nay Cảng Tiên Sa rất chật chội, dài đến 5.800 mét, trong tương lai có thể gây khó khăn cho tàu ra vào, ảnh hưởng đến hoạt động logistics. Trong vòng 5 năm tới, Cảng Tiên Sa sẽ đạt công suất tối đa và có nguy cơ quá tải. Vì vậy đơn vị tư vấn nên xem xét lại kỹ cả 2 phương án.
Còn đơn vị tư vấn Royal Haskoning DHV (Hà Lan) cũng đưa ra nhiều ví dụ về các mô hình cảng biển trên thế giới, đồng thời cho rằng không nên mở rộng Cảng Tiên Sa để tránh ảnh hưởng đến khu vực an ninh quốc phòng tại bán đảo Sơn Trà.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, thì nên đồng thời duy trì Cảng Tiên Sa và xây dựng Cảng Liên Chiểu, phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân để phát triển hệ thống cảng biển phù hợp với cơ chế mở, kinh tế thị trường, hội nhập như hiện nay.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn Surbana Jurong sớm đưa ra đề xuất chính thức về vấn đề quy hoạch cảng biển. Do có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đề xuất hiện nay còn thiếu cơ sở, nếu vẫn giữ nguyên đề xuất thì cần bổ sung những dữ liệu cụ thể để thuyết phục, khách quan.
Trước mắt, ông Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn tập trung bổ sung những vấn đề chính, những vấn đề chuyên sâu sẽ được trình bày ở giai đoạn sau; cần khẩn trương tính toán, vì việc hình thành cảng biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả khu vực, quốc gia. Dù đề xuất như thế nào thì cũng phải chuẩn xác, kịp thời, đạt được mục tiêu phục vụ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, mang lại lợi ích cho người dân thành phố./.

>>> Sớm gỡ những nút thắt trong phát triển cảng biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục