Nhiều nhân tố không xác định trong tình hình kinh tế - chính trị Malaysia

05:30' - 06/06/2018
BNEWS Trong khi đồng nội tệ chưa thể chấm dứt đà giảm giá và thị trường chứng khoán Malaysia bị hạ mức đánh giá triển vọng đầu tư, các hãng đánh giá tín dụng rất có khả năng sẽ hạ mức xếp hạng của Malaysia.

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu MIDF, đồng ringgit của Malaysia đã có 8 tuần liên tiếp giảm giá so với USD - mức giảm giá dài nhất kể từ tháng 9/2015.

Nam Dương nhật báo dẫn lời trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của công ty chứng khoán Inter Pacific, ông Phùng Đình Tú, cho biết từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, nhà đầu tư rót ròng vào thị trường chứng khoán Malaysia 4 tỷ ringgit (khoảng 1 tỷ USD).

Tuy nhiên, trong 2 tuần lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 3,3 tỷ ringgit. Áp lực bán mấy phiên gần đây bắt đầu giảm nhẹ vì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể rút ròng nhiều nhất là hơn 600 triệu ringgit nữa. 

Những diễn biến trên xảy ra sau khi Malaysia thay đổi chính quyền, chấm dứt 61 năm cầm quyền liên tục của Mặt trận Quốc gia (BN). Nomura - công ty chứng khoán hàng đầu của Nhật Bản - cho rằng sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 9/5 vừa qua, tình hình chính trị và kinh tế của Malaysia ẩn chứa nhiều nhân tố không xác định.

Do đó, Nomura đã hạ mức đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán Malaysia xuống mức “trung bình”. Đây là lần đầu tiên Nomura hạ mức đánh giá thị trường chứng khoán Malaysia kể từ khi công ty này tiến vào thị trường Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Các nhà phân tích của Nomura lo ngại việc chính phủ mới thuộc Liên minh Hy vọng (PH) xóa bỏ Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và trợ cấp nhiên liệu có thể sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính cho chính phủ và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Malaysia còn bị ảnh hưởng bởi sự đi xuống của các thị trường chứng khoán khác trong khu vực cũng như việc vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi. Ngoài ra, vụ bê bối tham nhũng liên quan tới Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB ngày càng hiện rõ và việc chính phủ mới công bố số liệu nợ cao hơn nhiều so với thực tế đã khiến thị trường chấn động.

Trong khi đó, Thi Hoa nhật báo dẫn lời các nhà phân tích thuộc Nomura nêu rõ kể từ khi công ty này tiến quân vào thị trường, chứng khoán Malaysia liên tục được đánh giá ở mức “tăng cường nắm giữ”. Đó là do chứng khoán Malaysia có nền tảng cơ bản tương đối vững, chính sách được duy trì liên tục làm giảm nhân tố không xác định trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau khi PH bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia, nhiều nhân tố không xác định xuất hiện và Nomura đã hạ mức đánh giá triển vọng của chứng khoán Malaysia xuống mức “trung bình”.

Theo Nomura, hiện nay thị trường chứng khoán Malaysia đang phải đối mặt với 5 nhân tố không xác định và bất lợi. Thứ nhất, Chính phủ của PH chỉ giành được đa số mỏng manh. Nếu xuất hiện thêm nhiều thông tin về sự bất đồng của các đảng trong PH, e rằng đây sẽ là nhân tố gây bất lợi cho thị trường. 

Thứ hai, một loạt chính sách có lợi cho dân mà chính phủ mới cam kết thực thi như xóa bỏ GST, tái thực hiện trợ cấp xăng dầu, xem xét nâng lương tối thiểu hay bỏ thu phí đường cao tốc… đều làm gia tăng áp lực đối với tài chính quốc gia, có thể khiến các hãng đánh giá tín dụng quốc tế hạ mức đánh giá đối với Malaysia. 

Thứ ba, các chính sách có lợi cho dân của chính phủ mới gián tiếp nâng cao giá thành của các doanh nghiệp kinh doanh, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Malaysia

Thứ tư, giá dầu thế giới nếu quay đầu giảm sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Malaysia. Khi giá dầu cao có thể khỏa lấp khoảng trống thu ngân sách do bỏ GST, nhưng sau khi bỏ GST, giá dầu lại xuống thấp thì đồng ringgit sẽ đối mặt với áp lực giảm giá. 

Thứ năm, cuộc chiến thương mại cũng là một nỗi lo không thể xem nhẹ đối với Malaysia vì thương mại đóng góp rất lớn trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục