Nhiều ngân hàng rục rịch kế hoạch niêm yết trong năm 2020

17:22' - 24/02/2020
BNEWS Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Quy định này giới hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2020 buộc nhiều ngân hàng đẩy mạnh kế hoạch niêm yết trong năm nay.
*Ngân hàng chuẩn bị kế hoạch niêm yết
Cuối tháng 11/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Dự kiến có 1.175 tỷ cổ phiếu của MSB sẽ được niêm yết trên HOSE, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Được biết, đây là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2020.

Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: HOSE

Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của MSB tăng trưởng khá ấn tượng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, kết thúc năm 2019, MSB đạt được sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các chỉ tiêu quan trọng. Tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.287 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2018. Tổng tài sản cuối năm tăng 14% so với đầu năm đạt gần 157.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng tăng hơn 23% đạt gần 68.000 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 25% so với đầu năm 2019.
Năm 2019 cũng đánh dấu sự thành công của ngân hàng này, khi MSB là một trong 9 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chính thức áp dụng Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, kể từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II). Điều này như một minh chứng đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi lên sàn.
Ngoài MSB, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2020. Đây là một trong những nội dung quan trọng được đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của ngân hàng này thông qua.
Trong năm 2019, ngân hàng này ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh tích cực. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản đạt 94.657 tỷ đồng (tăng 26% so với năm 2018, đạt 110% kế hoạch); Huy động vốn thị trường 1 đạt 75.157 tỷ đồng ( tăng 32,2% so với năm 2018, đạt 104% kế hoạch); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank đạt 925 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch… Các chỉ tiêu khác như: thu nhập lãi thuần và lãi hoạt động dịch vụ cũng có những tín hiệu tích cực, nợ xấu đảm bảo theo quy định Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho Nam A Bank từ 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Với việc nguồn vốn điều lệ tiếp tục được cải thiện cùng kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2019 được xem là nền tảng tích cực giúp ngân hàng này đẩy nhanh quá trình niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng được Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán trong tháng 9/2019, mã chứng khoán BVB, với vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng, tương ứng 317.1 triệu cổ phiếu đăng ký.
Việc đưa cổ phiếu trên sàn UPCoM được thực hiện đúng theo lộ trình đã được cổ đông Viet Capital Bank nhất trí thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2019, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch. Do đó, nhiều khả năng BVB sẽ chính thức được giao dịch trong năm 2020.
Ngoài 3 ngân hàng trên, trong thời gian tới sẽ có một số ngân hàng dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán, như: OCB (vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng), Seabank (5.466 tỷ đồng), ABBbank (5.319 tỷ đồng), Saigonbank (3.080 tỷ đồng), Việt Á Bank (3.500 tỷ đồng), Agribank (30.473 tỷ đồng).
Tính đến nay, đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn; trong đó, 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, VPB, EIB, STB); 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 5 cổ phiếu trên UPCoM (LPB, VIB, VBB, BAB, KLB).
*Tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng
Theo nhận định của các chuyên gia, việc một số ngân hàng đẩy mạnh kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn khi đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng cũng như tăng tỷ trọng toàn ngành trong VN-Index.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, trong năm 2020 sẽ có một số ngân hàng đủ điều kiện niêm yết. Việc niêm yết là cần thiết và chỉ có lợi cho chính bản thân các ngân hàng này cũng như thanh khoản của cả hệ thống ngành ngân hàng. Bởi lẽ, điều này giúp ngân hàng tăng khả năng huy động vốn từ thị trường cổ phiếu và tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, tạo cơ hội tiếp cận với đối tác chiến lược nước ngoài…
Cùng quan điểm trên, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đánh giá, việc một số ngân hàng có kế hoạch chuẩn bị niêm yết là một tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán trong năm 2020. Hoạt động này không chỉ cung cấp cho thị trường thêm sản phẩm, mang tới nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng mà còn giúp cho chính các ngân hàng dễ dàng huy động vốn nhiều hơn thông qua thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, khi niêm yết, các ngân hàng sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Theo ông Phương, đây sẽ là điểm cộng cho sự phát triển cũng như thương hiệu của các ngân hàng. Thêm vào đó, để niêm yết thành công, các ngân hàng phải đáp ứng tiêu chí, yêu cầu theo quy định của sở giao dịch.
Do vậy, các ngân hàng phải có chính sách, kế hoạch cụ thể để hệ thống thông tin, cấu trúc tài chính, nội bộ của ngân hàng được minh bạch, lành mạnh hơn, giúp cho ngân hàng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Từ đó, tăng tính hiệu quả không chỉ cho bản thân ngân hàng niêm yết mà cho cả hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán nói chung.
Mặc dù dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có ngân hàng, tuy nhiên các công ty chứng khoán nhận định, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn tích cực.
Với kỳ vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2020 ở mức 23,3% (bao gồm cả Argribank, MSB, OCB..), BSC cho rằng, ngành ngân hàng xứng đáng có mức định giá cao hơn; trong đó, việc các ngân hàng niêm yết trong thời gian tới sẽ giúp tỷ trọng của toàn ngành có thể lên mức 30% giá trị thị trường của VN-Index và là chất xúc tác giúp đánh giá lại định giá toàn ngành trên thị trường.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể tăng 22,5% nhờ câu chuyện phục hồi tại một số ngân hàng, cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi tại các ngân hàng khác nhờ tăng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần), tăng thu nhập bancassurance (bảo hiểm ngân hàng) và thu nhập từ phí thanh toán.../.
Xem thêm:

>>Dịch viêm phổi do virus corona: Chứng khoán Phố Wall đỏ sàn

>>Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hút vốn đầu tư vào ngành ngân hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục