Nhiều loại phí không hợp lý được ngân hàng cắt giảm

11:32' - 18/10/2018
BNEWS Trong giai đoạn từ 2016 - 2018 nhiều ngân hàng đã cắt giảm các loại phí không hợp lý.
 
Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả thực hiện cải cách hành chính 9 tháng qua. Theo đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2018 nhiều ngân hàng đã cắt giảm các loại phí không hợp lý.
Trong giai đoạn 2016-2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm/miễn phí 9 loại phí, gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking, bỏ nhiều loại phí đăng ký dịch vụ/chấm dứt sử dụng dịch vụ...
Đối với việc loại bỏ phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay, BIDV đã cắt giảm các loại phí như phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí như: quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết... đồng thời, ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng/phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài.
Ngân hàng Quân đội (MB) đã cắt giảm 16 loại phí, gồm: 3 loại phí xác nhận cam kết thanh toán, 5 loại phạt liên quan đến thực hiện cam kết, 6 loại phí liên quan đến tài sản đảm bảo, 2 loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng; điều chỉnh giảm 2 loại phí kiều hối; cắt giảm các loại phí liên quan đến thẻ; điều chỉnh giảm 50% thay cho 30% đối với phân khúc khách hàng Super VIP khi giao dịch chuyển khoản khác hệ thống đối với khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng doanh nghiệp lược bỏ phí chuyển khoản khác hệ thống qua thanh toán bù trừ điện tử.
Tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), chương trình Zero fee (miễn phí 100%) của Techcombank cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong chuyển tiền đã miễn phí chuyển tiền giá trị tương ứng hơn 100 tỷ đồng tiền phí chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), định kỳ 3 tháng/lần rà soát biểu phí theo hướng phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả cải cách hành chính đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục